Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, Công ty đã đàm phán xong giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 3 năm (từ 2013 - 2015), hợp đồng có những điều khoản ràng buộc giữa hai bên nên không sẽ không có chuyện EVN tăng giá mua điện từ PPC khi tăng giá giá bán điện. Tuy nhiên, do PPC là nhà máy nhiệt điện nên EVN đã có thỏa thuận bù lỗ chi phí đầu vào cho PPC khi giá than tăng. Ông Sơn cũng cho biết, hiện giá than đã tăng khoảng 40% so với đầu năm, toàn bộ khoản chi phí tăng thêm này của PPC sẽ được EVN bù đắp. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của PPC sẽ không chịu ảnh hưởng của việc EVN tăng giá bán lẻ.
Trước thời điểm tăng giá điện bán lẻ, PPC đã chốt giá bán điện với EVN đến năm 2015
Tương tự PPC, CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng cho biết đã hoàn tất công tác đàm phán giá bán điện với EVN từ trước, nên việc tập đoàn này quyết định tăng giá bán điện ra thị trường không có tác động gì đến doanh thu và lợi nhuận của TBC. Đại diện lãnh đạo TBC giải thích, EVN được phép tăng giá bán lẻ, nhưng không có quy định buộc họ phải tăng giá mua vào với các DN trực tiếp sản xuất điện.
“Việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí đối với các DN sản xuất dùng điện, chứ không tác động nhiều đến các DN sản xuất điện”, đại diện TBC cho biết.
Những DN sản xuất điện đã chốt giá bán điện cho EVN không được hưởng lợi từ tăng giá điện, vậy với những DN chưa chốt giá bán thì sao? Trong số các DN ngành điện, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) có lẽ là trường hợp gây tranh cãi nhất cho cổ đông và nhà đầu tư, khi gần 4 năm trời không đàm phán được giá điện với EVN. Bộ Công thương cũng phải vào cuộc chỉ đạo việc mua bán điện giữa EVN với VSH, tuy nhiên đến nay, hai bên vẫn chưa chốt được giá bán điện. Chính vì vậy, thông tin về việc EVN tăng bán lẻ 5% đang được nhiều cổ đông VSH kỳ vọng có thể thay đổi về giá trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc tăng giá điện đầu ra không tác động đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Năm 2013, VSH vẫn tạm tính giá điện bằng 62% so với năm 2009 (giá điện năm 2009 là 563 đồng/kwh), tương đương với 349 đồng/kwh. Đây là mức giá do EVN đề xuất để VSH tạm tính, mức giá này khiến nhiều cổ đông VSH không đồng ý vì cho rằng quá thấp.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện cổ đông lớn của VSH bày tỏ bức xúc: “Từ năm 2009 đến nay, EVN đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ, song lại không muốn tăng giá điện đầu vào cho DN sản xuất điện là rất phi lý”. Cũng theo vị đại diện này, ngành điện Việt Nam hoạt động với đặc thù là người độc quyền mua điện và phân phối tới người tiêu dùng, do vậy, chỉ khi nào có tái cơ cấu ngành điện, không còn sự độc quyền và có người điều tiết thì mới giải quyết được cơ chế mua bán điện giữa EVN và các DN sản xuất điện.
Lãnh đạo một DN ngành điện cũng nhận định, dù giá bán lẻ tăng lên nhưng EVN vẫn lỗ. Trên thực tế, việc đàm phán giá mua điện từ các DN sản xuất điện sẽ được EVN tiến hành qua mỗi năm, ngoại trừ những dự án lớn đàm phán trước giá bán điện đến 25 năm. Giá mua điện từ các nhà máy được đàm phán trên cơ sở giá thành sản xuất và mức lợi nhuận biên. Như vậy, mặc dù EVN đã có quyết định tăng giá bán điện lần thứ 3 kể từ năm 2012, nhưng khả năng điều chỉnh giá mua vào vẫn rất khó. Các DN sản xuất điện vì thế cũng không thể kỳ vọng hưởng lợi từ quyết định tăng giá bán lẻ 5% của EVN.