Ảnh Internet
Khi giá dầu chạm đáy giai đoạn đầu năm 2015, nhiều nhà kinh tế cho rằng, nó đang tạo ra các tác động hai chiều. Một mặt, theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá dầu thấp có thể thúc đẩy GDP toàn cầu tăng thêm khoảng 0,5 - 0,75%, trong đó có đóng góp chủ yếu của các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Tuy nhiên, mặt trái của giá dầu thấp là dẫn đến nguy cơ gia tăng giảm phát tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản.
Tại Mỹ, tình trạng giảm phát dù rất khó xảy ra, song Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải cân nhắc những hiệu ứng từ nguy cơ thiểu phát khi giá năng lượng giảm, qua đó thúc đẩy kế hoạch tăng lãi suất vào cuối năm nay. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương chủ chốt khác trên thế giới theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, hoàn toàn trái ngược với Fed, tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ biến động mạnh.
Dưới đây là 4 nhân tố tiêu cực có thể tác động tới kinh tế thế giới trong thời gian tới:
Giảm phát hay không giảm phát
Cho dù giá dầu mỏ đang có dấu hiệu thoát đáy và đã tăng 17% kể từ đầu tháng 4/2015, trong bối cảnh số giàn khoan của Mỹ giảm nhanh, báo hiệu sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể hạ nhiệt, song tác động từ dư âm của giá dầu thấp đối với các hoạt động kinh tế toàn cầu là “đa sắc” và vẫn chưa kết thúc. Tại Eurozone, chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu tăng mạnh trở lại và có thể còn tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, tại Mỹ, người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn các khoản dư từ giá năng lượng thấp.
Sự chia rẽ trong ECB
Từ nhiều năm qua, ECB dường như “mắc kẹt” trong khả năng phản ứng trước nguy cơ giảm phát tại Eurozone. Ngay cả khi Chủ tịch ECB Mario Draghi đã phát biểu về quyết tâm cải cách chính sách trong nội bộ ECB, các thị trường vẫn nghi ngờ, liệu ông có thể thuyết phục ban điều hành ECB duy trì chương trình mua trái phiếu ở quy mô cần thiết, để có thể đạt được mục tiêu cân bằng bảng quyết toán ngân sách của thể chế tài chính này. Hiện các quan chức Đức và một số người theo đường lối bảo thủ trong ECB vẫn tỏ ý chống đối chương trình nới lỏng định lượng.
Rủi ro hạ cánh cứng tại Trung Quốc
Trung Quốc đã và đang trong quá trình tái cân bằng nền kinh tế. Cho đến nay, vẫn chưa rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thực sự tạo ra các nguy cơ “hạ cánh cứng” hay không. Tuy nhiên, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn trong quý I vừa qua, khi kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Cho dù tỷ lệ tăng trưởng này vẫn ở mức chấp nhận được, song trong dài hạn, Trung Quốc có khả năng sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhận định này là có cơ sở khi lãi suất thị trường đã giảm xuống các mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo kể từ ngày 20/4 sẽ cắt giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Đây là đợt cắt giảm dự trữ bắt buộc thứ 2 kể từ đầu năm tới nay nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay. Hệ quả là, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ lại chảy vào chi tiêu cơ sở hạ tầng, giao thông và các lĩnh vực mũi nhọn khác.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng “thất vọng”
Cuối cùng, kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2015 cũng tạo ra cú sốc nhỏ. Ước tính, tăng trưởng kinh tế của Mỹ 3 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 1%. Bên cạnh đó, thông tin đáng thất vọng trong lĩnh vực bán lẻ của Mỹ và tốc độ tăng trưởng yếu của Trung Quốc, số liệu không khả quan trong lĩnh vực nhà đất và sản xuất công nghiệp của Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với đồng USD. Nội bộ Fed vẫn tìm kiếm sự đồng thuận về quan điểm cho rằng bức tranh kinh tế hiện nay chưa đủ sáng để Fed thay đổi chính sách lãi suất. Hồi đầu năm nay, một số người dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6/2015, nhờ những số liệu tích cực về nền kinh tế. Tuy nhiên, những thông tin bi quan gần đây đã khiến mốc thời gian dự báo này bị đẩy lùi lại.