Chứng khoán Mỹ tiếp tục trái chiều trong phiên thứ Tư sau thông tin Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey.
Phố Wall chịu các tác động trái chiều từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp, trong đó Walt Disney giảm 2,15% sau khi báo cáo doanh thu quý I thấp hơn dự kiến, kéo Dow Jones giảm theo. Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia lại tăng vọt 17,83% sau khi nhà sản xuất chíp này báo cáo doanh thu tăng cao hơn kỳ vọng, góp phần giúp chỉ số Nasdaq thiết lập đỉnh cao mới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh khi giá dầu vọt tăng hơn 3% trong phiên cũng góp phần giúp chỉ số S&P 500 lấy lại đà tăng sau phiên giảm nhẹ trước đó.
Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones giảm 32,67 điểm (-0,16%), xuống 20.943,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,71 điểm (+0,11%), lên 2.399,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,56 điểm (+0,14%), lên 6.129,14 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc giá dầu thô tăng mạnh, cùng kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố cũng giúp thị trường khu vực này duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 10/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,03 điểm (+0,59%), lên 7.385,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 8,34 điểm (+0,07%), lên 12.757,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,45 điểm (+0,05%), lên 5.400,46 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba, chứng khoán Nhật Bản đã lấy lại đà tăng hôm thứ Tư khi đồng yên suy yếu so với đồng USD. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số Nikkei 225 đã bị hãm lại khi chạm mức cao nhất 17 tháng khi giới đầu tư thận trọng với những diến biến mới tại chính trường Mỹ khi Giám đốc FBI bị sa thải, đồng thời Triều Tiên tuyên bố có thể thử hạt nhân lần thứ 6.
Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp bất chấp chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đang hướng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp và dòng tiền chảy mạnh từ đại lục.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, sau phiên hồi nhẹ trước đó, xuống mức thấp nhất 7 tháng khi lạm phát tăng thấp hơn dự kiến, cho thấy việc lấy lại đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không dễ dàng. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo lắng về khả năng thắt chặt thêm các quy định tài chính.
Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 57,09 điểm (+0,29%), lên 19.900,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 126,39 điểm (+0,51%), lên 25.015,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,74 điểm (-0,90%), xuống 3.052,78 điểm.
Trong khi đó, giá vàng vẫn chưa thể hồi phục trở lại khi tiếp tục giảm nhẹ, dao động ở mức thấp nhất 8 tuần do đồng USD vẫn tăng mạnh. Trong phiên thứ Tư, dù lúc đầu giá vàng đã cố gắng hồi phục sau thông tin về việc Giám đốc FBI bất ngờ bị sa thải, nhưng sau đó, trước sức mạnh của đồng USD và nhà đầu tư chứng khoán không phản ứng quá mạnh với thông tin này, giá vàng đã nhanh chóng đi xuống.
Kết thúc phiên 10/5, giá vàng giao ngay giảm 2,3 USD (-0,19%), xuống 1.218,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,8 USD (+0,23%), lên 1.218,9 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng vọt trở lại trong phiên thứ Tư sau khi Ả Rập Saudi cho biết sẽ cắt giảm sản lượng đầu tiên phân bổ cho các khách hàng châu Á. Theo nguồn tin Reuters trích dẫn hôm thứ Ba, Saudi Aramo, một mỏ dầu của Nhà nước (Ả Rập Saudi) sẽ giảm 7 triệu thùng vào tháng 6.
Ngoài ra, giá dầu thô còn nhận thông tin tích cực nữa là kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh 5,2 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái do nhập khẩu giảm mạnh. Hàng tồn kho các sản phẩm tinh chế cũng giảm.
Kết thúc phiên 10/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,45 USD/thùng (+3,06%), lên 47,33 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,49 USD (+2,97%), lên 50,22 USD/thùng.