Sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, giá dầu thô đã bứt mạnh trở lại trong phiên thứ Ba, kéo chứng khoán tăng theo (Ảnh minh họa: AFP)

Sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, giá dầu thô đã bứt mạnh trở lại trong phiên thứ Ba, kéo chứng khoán tăng theo (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu thô tăng vọt, kéo chứng khoán, giá vàng tăng theo

(ĐTCK) Kỳ vọng về khả năng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tháng này giúp giá dầu thô tăng vọt hơn 5,9% trong phiên thứ Ba, kéo chứng khoán tăng theo và tác động tích cực tới giá vàng.

Phố Wall có phiên giao dịch tích cực trong phiên thứ Ba khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, trong đó chỉ số Dow Jones có phiên thứ tư liên tiếp ở mức cao kỷ lục và chỉ số Nasdaq tăng tới 1,1%. Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng. Trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng tăng theo đà khởi sắc của giá dầu, thì cổ phiếu công nghệ lại tăng mạnh sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, đẩy chỉ số S&P công nghệ giảm 3% hậu bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong phiên thứ Ba, các nhà đầu tư đã gạt qua một bên những lo ngại về tương lai của ngành này sau chính sách mà Tổng thống đắc cử Trump có thể thực hiện lĩnh vực này để bắt đáy, giúp nhóm này tăng mạnh, trong đó chỉ số S&P công nghệ tăng 1,3%.

Về thông tin kinh tế, doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ tăng 0,8% so với tháng 9, trong khi doanh số bán lẻ tháng 9 cũng được điều chỉnh tăng hơn so với con số công bố trước đó. Dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan sẽ khiến cho những nhà hoạch định chính sách có tư tưởng “diều hầu” của Fed thúc đẩy việc tăng lãi suất sớm hơn và tiếp tục có những đợt tăng sau đó nữa.

Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Dow tăng 54,37 điểm (+0,29%), lên 18.923,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,19 điểm (+0,75%), lên 2.180,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,22 điểm (+1,10%), lên 5.275,62 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích và năng lượng khi giá dầu thô khởi sắc trong phiên. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu khai mỏ khi giá nguyên vật liệu tiếp tục giảm và sự sụt giảm của cổ phiếu Nokia khi đại gia sản xuất điện thoại này cập nhật triển vọng kinh doanh đáng thất vọng.

Kết thúc phiên 15/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,56 điểm (+0,56%), lên 6.792,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,45 điểm (+0,39%), lên 10.735,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,98 điểm (+0,62%), lên 4.536,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vừa công bố tốt hơn dự kiến giúp các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Nhật Bản khởi sắc. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 giằng co và chốt phiên với mức điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời sau khi thị trường có chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng vừa qua.

Trong khi đó, đúng như dự đoán của giới phân tích, sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp, xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi do tác động của thông tin kinh tế quý III của thành phố kém khả quan, cũng như triển vọng tương lai không mấy sáng sủa do những căng thẳng của người dân đặc khu này với chính sách của Trung Quốc đại lục, chứng khoán Hồng Kông đã có phiên hồi phục nhẹ trở lại trong ngày thứ Ba khi đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có dấu hiệu chững lại.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục trong phiên thứ Ba có diễn biến khá giống với chứng khoán Nhật Bản khi cũng chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp, lên mức cao nhất 10 tháng.

Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 4,47 điểm (-0,03%), xuống 17.668,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 101,69 điểm (+0,46%), lên 22.323,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,64 điểm (-0,11%), xuống 3.206,73 điểm.

Dù chứng khoán tăng điểm, nhưng giá vàng cũng không còn bị tác động tiêu cực trong phiên thứ Ba nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng khi giá kim loại quý này rơi về mức thấp nhất 5 tháng rưỡi trước đó. Ngoài ra, việc đồng USD không còn duy trì đà tăng mạnh như trước, cũng như giá dầu thô tăng vọt cũng hỗ trợ cho giá vàng phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba sau chuỗi ngày giảm liên tiếp hậu bầu cử Tổng thống Mỹ.

Kết thúc phiên 15/11, giá vàng giao ngay tăng 7,4 USD (+0,61%), lên 1.228,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,8 USD (+0,23%), lên 1.224,5 USD/ounce.

Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, giá dầu tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên châu Á do những lo ngại về dư cung sau số liệu của OPEC vừa công bố cho thấy sản lượng khai tác của khối này đã tăng mạnh trong tháng 10 và lên mức kỷ lục mới. Tưởng chừng giá dầu thô sẽ tiếp tục kéo dài chuỗi giảm giá và xuống mức giá sâu hơn nữa, thì bất ngờ đã xảy ra trong phiên Âu, Mỹ.

Kỳ vọng về việc OPEC có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tổ chức vào ngày 30/11 tới. Một thỏa thuận phác thảo đã được thông qua hồi tháng 9, nhưng những cuộc đàm phán chi tiết để đi đến một thỏa thuận chính thức lại gặp nhiều khó khăn, nhất là bất đồng giữa Iran và Ả Rập Xê út.

Kết thúc phiên 15/11, giá dầu thô Mỹ tăng 2,54 USD/thùng (+5,86%), lên 45,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,63 USD (+5,92%), lên 47,06 USD/thùng.

Tin bài liên quan