Việc OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản lượng đầu tiên kể từ năm 2008, giúp giá dầu thô tăng vọt đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh theo. Chỉ số nhóm năng lượng tăng tới 4,34%, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng Giêng.
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng đã giúp phố Wall đảo chiều tăng điểm sau khi giảm đầu phiên.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones tăng 110,94 điểm (+0,61%), lên 18.339,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,44 điểm (+0,53%), lên 2.171,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,84 điểm (+0,24%), lên 5.318,55 điểm.
Ngoài nhóm cổ phiếu hàng hóa, năng lượng, chứng khoán châu Âu hồi phục mạnh trong phiên thứ Tư còn nhờ sự phục hồi của cổ phiếu Destche Bank sau khi Giám đốc điều hành John Cryan bác bỏ khả năng tăng vốn, trong khi bảng cân đối của Ngân hàng cũng cải thiện đáng kể sau khi bán mảng bảo hiểm của mình tại Anh.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,71 điểm (+0,61%), lên 6.849,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 76,86 điểm (+0,74%), lên 10.438,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,77 điểm (+0,77%), lên 4.432,45 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng mạnh trở lại đã khiến chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư. Ngoài ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật cũng lo lắng về khả năng ngân hàng Destche Bank của Đức đối mặt với khoản phạt 14 tỷ USD tại Mỹ sẽ ảnh hưởng xấu tới nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông ít biến động trong phiên này sau phiên khởi sắc trước đó khi giới đầu tư phản ứng tích cực với cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ với phần thắng theo các nhà đầu tư nghiêng về bà Clinton.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 212,66 điểm (-1,28%), xuống 16.465,4 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 47,75 điểm (+0,20%), lên 23.619,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,31 điểm (-0,34%), xuống 2.987,86 điểm.
Trong khi chứng khoán và giá dầu thô khởi sắc, thì giá vàng lại tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư do dòng tiền đang hướng vào các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao, khiến kênh đầu tư trú ẩn như vàng kém hấp dẫn. Các thông tin kinh tế của Mỹ công bố trong phiên cũng không có nhiều điểm mới có thể tác động tới giá vàng.
Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay giảm 5,6 USD (-0,42%), xuống 1.321,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,7 USD (-0,5%), xuống 1.323,7 USD/ounce.
Bất ngờ đã xảy ra khi các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận đóng giảm sản lượng khoảng 700.000 thùng, giữ ở mức 32,5 - 33 triệu thùng/ngày trong cuộc họp đang diễn ra tại Algeria. Trước đó, những bất đồng giữa Iran và Ả Rập Xê út khiến nhiều người cho rằng, khó có chuyện OPEC đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Sau khi đạt được sự đồng thuận trong nội khối, các thành viên OPEC sẽ đàm phán với các nhà sản xuất khác ngoài khối để đi đến một thỏa thuận đóng băng sản lượng toàn diện. Tuy nhiên, với thỏa thuận vừa đạt được của OPEC, thị trường đã có phản ứng tích cực với giá dầu thô tăng mạnh gần 6% trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 28/9, giá dầu thô Mỹ tăng 2,38 USD/thùng (+5,06%), lên 47,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,72 USD (+5,59%), lên 48,69 USD/thùng.