Giá dầu thô phục hồi hơn 3% trong sau dữ liệu về kho dự trữ xăng giảm tới 3,3 triệu thùng trong tuần trước, bù đắp thông tin kho dự trữ dầu thô tăng tuần thứ 2 liên tiếp, giúp nhóm cổ phiếu năng lược phục hồi với chỉ số S&P năng lượng tăng 1,8%, mức tăng tốt nhất trong 10 nhóm ngành.
Theo một báo cáo khác cũng vừa được công bố, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ có thêm 179.000 việc làm trong tháng 7, cao hơn con số ước tính 170.000 của giới phân tích. Báo cáo này tạo kỳ vọng về bảng lương phi nông nghiệp (được công bố vào ngày thứ Sáu) sẽ khả quan sau khi có tháng thất vọng trước đó.
Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và thông tin thị trường lao động tích cực, phố Wall đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư, trong đó chỉ số Dow Jones đã chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm điểm liên tiếp của mình.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 41,23 điểm (+0,23%), lên 18.355,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,76 điểm (+0,31%), lên 2.163,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22 điểm (+0,43%), lên 5.159,74 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với đà tăng mạnh mẽ của nhà sản xuất ô tô Fiat giúp bù đắp tác động tiêu cực từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố. Qua đó, giúp chứng khoán châu Âu hãm đà giảm, thậm chí chứng khoán Đức còn hồi phục nhẹ trở lại.
Thông tin kinh tế mới Công ty Dữ liệu Markit công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (MPI) trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên mức 53,2 trong tháng 7 từ 53,1 trong tháng 6. Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh Eurozone không thay đổi nhiều sau khi sự kiện Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 6.
Thị trường chứng khoán Anh nhiều khả năng sẽ bật tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm, bởi có thông tin Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ lần đầu tiên cắt giảm lãi suất kể từ năm 2009 khi nhận thấy nền kinh tế Anh đang trên bờ vực suy thoái sau khi bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hầu hết các nhà phân tích đều kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm 1 điểm phần trăm, xuống mức thấp kỷ lục 0,25% và sẽ tung ra nhiều tỷ bảng Anh để mua trái phiếu chính phủ, nhằm kích thích nền kinh tế. Quyết định sẽ được đưa ra vào 11h (giờ GMT) và sau đó Thống đốc Mark Carney sẽ tổ chức họp báo vào 11h30 (giờ GMT).
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,00 điểm (-0,17%), xuống 6.634,4 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 25,87 điểm (+0,26%), lên 10.170,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 6,91 điểm (-0,16%), xuống 4.321,08 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đồng yên tiếp tục đà tăng và kéo chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, nhiều khả năng chứng khoán Nhật Bản sẽ tăng trở lại sau thông tin Thủ tướng Shinzo Abe vừa cải tổ nội các với việc thay thế nhiều vị trí, với mục tiêu cải thiện nền kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng công bố tung ra chương trình kích thích kinh tế lên tới hơn 200 tỷ USD.
Ảnh hưởng từ chứng khoán toàn cầu trong phiên trước đó, cũng như sức khỏe của các ngân hàng châu Âu, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh ngay khi giao dịch trở lại sau phiên đóng cửa do ảnh hưởng của bão Nida hôm thứ Ba, xuống mức thấp nhất 2 tuần. Ngoài ra, việc chỉ số PMI của Hồng Kông ở mức thấp nhất 17 tháng cũng cho thấy tín hiệu suy yếu của lĩnh vực kinh tế tư nhân của thành phố này và tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục đà tăng của mình bất chấp chỉ số PMI vừa công bố giảm xuống mức 51,7 trong tháng 7 từ mức 52,7 trong tháng 6.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Nikke 225 giảm 308,34 điểm (-1,88%), xuống 16.083,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 390,02 điểm (-1,76%), xuống 21.739,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 7,32 điểm (+0,25%), lên 2.978,46 điểm.
Trên thị trường vàng, sự phục hồi của thị trường chứng khoán, cùng với áp lực chốt lời khi giá vàng lên mức cao nhất 3 tuần đã khiến giá kim loại quý này đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay giảm 5,1 USD (-0,37%), xuống 1.357,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,9 USD (-0,58%), xuống 1.364,7 USD/ounce.
Trái với dự đoán của giới phân tích và dữ liệu sơ bộ được Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra hôm thứ Ba, số liệu chính thức được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước (các nhà phân tích dự báo giảm 1,4 triệu thùng).
Tưởng rằng số liệu này sẽ càng khiến giá dầu thô thế giới càng lún sâu hơn, nhưng một thông tin hỗ trợ đã đi kèm khi kho dự trữ xăng của Mỹ bất ngờ giảm 3,3 triệu thùng, cũng theo EIA so với mức dự báo giảm 200.000 thùng của giới phân tích.
Chính nhờ thông tin này đã giúp giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, trong đó giá dầu thô Mỹ lấy lại được mốc 40 USD/thùng đã để mất trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,32 USD/thùng (+3,34%), lên 40,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,3 USD (+3,09%), lên 43,10 USD/thùng.