Giá dầu thô lên mức cao nhất 9 ngày khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ về nguồn cung đã đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh, qua đó giúp phố Wall duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, chính sách thuế của Tổng thống Trump đang đối mặt với khó khăn giống như chính sách y tế của ông khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng, hãm đà tăng của các chỉ số chính, trong đó chỉ số Dow Jones đã điều chỉnh trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó. Trong phiên thứ Tư, chỉ số này chỉ dao động dưới tham chiếu, dù nỗ lực phục hồi cuối phiên, nhưng bất thành.
Trong phiên thứ Tư, đồng USD hôi phục nhẹ sau những tuyên bố trái chiều của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ. Người thì cho rằng cần đẩy nhanh hơn tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, người thì cho rằng, chỉ tăng 3 lần như kế hoạch là đủ.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones giảm 42,18 điểm (-0,20%), xuống 20.659,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,56 điểm (+0,11%), lên 2.361,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,41 điểm (+0,38%), lên 5.897,55 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại phản ứng có thoải mái với trong ngày Brexit khi Anh chính thức các bắt đầu các thủ tục để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và bắt đầu quá trình đàm phán kéo dài 2 năm.
Trong khi đó, Quốc hội Scotland hôm qua ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý độc lập về việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Các thị trường chứng khoán trong khu vực, kể cả chứng khoán Anh đều duy trì sắc xanh trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm nhẹ đã hãm bớt đà tăng của các chỉ số. Cổ phiếu ngân hàng giảm sau thông tin các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ xem xét thận trọng hơn với bất kỳ thay đổi nào về chính sách của mình trong cuộc họp tháng 4, cho thấy dòng chảy của tiền sẽ không còn dễ dang như trước.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,30 điểm (+0,41%), lên 7.373,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,58 điểm (+0,44%), lên 12.203,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22,84 điểm (+0,45%), lên 5.069,04 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên tăng điểm tích cực của phố Wall trước đó đã giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại rất nhiều khi nhóm cổ phiếu trả cổ tức điều chỉnh giá.
Chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì được đà tăng trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và ngân hàng. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần do mối lo về sức khỏe của hệ thống ngân hàng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngừng bơm tiền vào hệ thống trong ngày thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 14,61 điểm (+0,08%), lên 19.217,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 46,18 điểm (+0,19%), lên 24.392,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,64 điểm (-0,36%), xuống 3.241,31 điểm.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm thứ Ba từ mức cao nhất 4 tuần do chứng khoán khởi sắc, giá vàng đã lấy lại đà tăng nhẹ trong phiên thứ Tư, dù đồng USD hồi nhẹ trở lại. Những dự đoán về khó khăn của các chính sách kinh tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra như giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn là điểm tựa giữ cho giá vàng ở mức cao. Nếu ông Trump tiếp tục gặp thất bại trong việc thông qua các chính sách này, giá vàng được dự đoán sẽ tăng vọt, trong khi chứng khoán sẽ giảm mạnh.
Kết thúc phiên 29/3, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD (+0,17%), lên 1.253,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 1,9 USD (-0,15%), xuống 1.253,7 USD/ounce.
Sau thông tin lượng cung bị hạn chế từ Lybia trước đó, giá dầu thô tiếp tục nhận được thông tin hỗ trợ khi dự báo sản lượng kho dự trữ của Mỹ tuần trước tăng thấp hơn nhiều dự báo. Thông tin này giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Tư và lên mức cao nhất 9 ngày.
Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng thêm 867.000 thùng, thấp hơn con số 1,4 triệu thùng như dự báo của giới phân tích. Dù vậy, tổng kho dự trữ cũng lên con số gần kỷ lục 534 triệu thùng.
Kết thúc phiên 29/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,14 USD/thùng (+2,30%), lên 49,51 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,09 USD (+2,08%), lên 52,42 USD/thùng.