Sau khi giảm điểm trong phiên thứ Năm do giới đầu tư lo lắng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy, phố Wall tiếp tục có thêm phiên giảm điểm trong ngày thứ Sáu do nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc theo giá dầu thô. Tuy nhiên, Nasdaq lại có được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất chip.
Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Dow Jones giảm 58,67 điểm (-0,24%), xuống 24.753,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,43 điểm (-0,24%), xuống 2.721,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,42 điểm (+0,13%), lên 7.433,85 điểm.
Trong tuần qua, phố Wall có nhiều phiên giao dịch đầy biến động với các thông tin trái ngược liên tục được đưa ra như đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, biên bản cuộc họp của Fed. Tuy có những phiên tăng giảm đan xen, nhưng những phiên tăng với biên độ mạnh hơn đã giúp phố Wall có tuần tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó.
Cụ thể, Dow Jones tăng 0,15% sau khi giảm 0,47% tuần trước đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,31% sau khi giảm 0,54% trong tuần trước đó, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,08% sau khi điều chỉnh 0,66% tuần trước đó.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại hồi phục trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần dù chịu nhiều sức ép từ giá dầu giảm, cũng như vấn đề chính trị tại Tây Ban Nha. Chứng khoán châu Âu tăng nhờ sự hỗ trợ từ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ô tô.
Kết thúc phiên 25/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,54 điểm (+0,18%), lên 7.730,28 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 92,92 điểm (+0,65%), lên 12.938,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 5,89 điểm (-0,11%), xuống 5.542,55 điểm.
Tuy hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu đã chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 0,62%, chỉ số DAX 30 giảm 1,07% và chỉ số CAC 40 giảm 1,28%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu lớn, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng giảm điểm sau khi cuộc gặp thương đỉnh Mỹ - Triều bị hủy bỏ. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc có tuần giảm mạnh nhất 1 tháng.
Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,78 điểm (+0,06%), xuống 22.450,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tgiảm 172,37 điểm (-0,56%), xuống 30.588,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,35 điểm (-0,42%), xuống 3.141,30 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,09%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Hang Seng giảm 1,48% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,63% sau 4 tuần tăng liên tiếp.
Trên thị trường vàng, sau phiên tăng mạnh hôm thứ Năm nhờ thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, giá vàng đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần khi có thông tin cuộc gặp này có thể vẫn sẽ được diễn ra như kế hoạch và đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 13/11/2017.
Kết thúc phiên 25/5, giá vàng giao ngay giảm 2,9 USD (-0,22%), xuống 1.301,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 3,2 USD/ounce (-0,25%), xuống 1.301,2 USD/ounce.
Dù giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, giá vàng đã lấy lại đà tăng sau khi giảm trên dưới 2% trong tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,72% và giá vàng tương lai tăng 0,77%.
Sau khi lưỡng lữ về xu hướng của thị trường trong tuần qua, cả giới phân tích và đầu tư đã có cái nhìn tích cực hơn về xu hướng giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời tuần này, có 11 người, chiếm 61% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, tăng hơn so với mức 44% của tuần trước; số người dự báo giảm cũng là 4 người, chiếm 22%, thấp hơn nhiều con số 44% của tuần trước và có 3 người dự báo đi ngang, chiếm 17%.
Tương tự, trong 730 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 393 người, chiếm 54% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 49% của tuần trước đó; 243 lượt người, chiếm 33% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 40% của tuần trước đó và 94 lượt người, chiếm 13% có quan điểm trung tính.
Giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần sau khi có thông tin Nga và Ả rập Xê út thảo luận về việc tăng sản lượng khai thác dầu sau 17 tháng duy trì ở mức thấp vì cho rằng mức tăng giá của dầu đã vượt quá xa so với mục tiêu.
Kết thúc phiên 25/5, giá dầu thô Mỹ giảm 2,83 USD (-4,17%), xuống 67,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,35 USD (-3,07%), xuống 76,44 USD/thùng.
Với 2 phiên giảm mạnh cuối tuần, giá dầu thô đã chấm dứt chuỗi tuần tăng ấn tượng với việc giá dầu thô Mỹ giảm 4,77% và giá dầu thô Brent giảm 2,64%.