Sau khi thiết lập đỉnh cao mới trong phiên đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, ngân hàng, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm trở lại do nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô giảm mạnh, cùng với đó là đà giảm trở lại của nhóm cổ phiếu bán lẻ với lo ngại về kế hoạch AMAZN.O của Amazon, cũng như lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Dow Jones giảm 61,85 điểm (-0,29%), xuống 21.467,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,43 điểm (-0,67%), xuống 2.437,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 50,98 điểm (-0,82%), xuống 6.188,03 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, việc giá dầu thô giảm mạnh hơn 2% đã khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba, sau khi tăng tốt trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,10 điểm (-0,68%), xuống 7.472,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 74,16 điểm (-0,58%), xuống 12.814,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,07 điểm (-0,32%), xuống 5.293,65 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên tăng điểm tốt của chứng khoán Âu, Mỹ trước đó, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 2 năm.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc địa lục giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định của MSCI. Nhiều dự đoán chứng khoán Trung Quốc sẽ được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo lắng, bởi liên tiếp trong 3 năm qua, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, để rồi lại thất vọng.
Tuy nhiên, lần này đã khác, theo công bố vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, MSCI đã quyết định thêm chứng khoán Trung Quốc đại lục vào rổ chỉ số thị trường mới nổi MSCI Emerging Market. Thông tin này được dự báo sẽ khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông bùng nổ trong phiên giao dịch hôm nay.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 162,66 điểm (+0,81%), lên 20.230,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 81,51 điểm (-0,31%), xuống 25.843,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,36 điểm (-0,24%), xuống 3.140,01 điểm.
Giá vàng cũng nỗ lực phục hồi trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba trên thị trường châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, khi bước vào thị trường Mỹ, cùng với sức mạnh của đồng USD và giá dầu thô giảm mạnh, giá kim loại quý này cũng đã quay đầu giảm trở lại. Dù mức giảm không mạnh, nhưng giá vàng cũng đóng cửa ở mức thấp nhất 4 tuần.
Kết thúc phiên 20/6, giá vàng giao ngay giảm 1 USD (-0,08%), xuống 1.242,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 4,6 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.243,5 USD/ounce.
Hôm thứ Ba, giá dầu thô lúc đầu hồi phục khi Viện Nghiên cứu dầu mỏ Mỹ (API) công bố dữ liệu cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm nhiều hơn dự báo. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại và giảm mạnh dần vào cuối phiên khi thông tin sản lượng sản xuất gia tăng tại Lybia và Nigeria được công bố. Đây là 2 thành viên của OPEC nhưng được miễn giảm trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của tổ chức này.
Kết thúc phiên 20/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,97 USD/thùng (-2,2%), xuống 43,23 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 16/9/2016. Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng giảm 0,89 USD (-1,90%), xuống 46,02 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 15/11/2016.