Giá dầu thô lao dốc, chứng khoán vẫn hồi phục

Giá dầu thô lao dốc, chứng khoán vẫn hồi phục

(ĐTCK) Nhận thông tin bất lợi từ kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, bất chấp giá dầu thô giảm, cũng các sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng sắp diễn ra, phố Wall vẫn hồi phục trở lại.

Sau 2 phiên điều chỉnh, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau thông tin cựu Giám đốc FBI James Comey cho biết, Tổng thống Trump đã yêu cầu ông rút lui khỏi cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và nói với ông rằng: “Tôi cần sự trung thành. Mong đợi sự trung thành”. Ông Comey sẽ điều trần trước Thượng viện Mỹ vào thứ Năm.

Những thông tin có thể gây bất lợi cho ông Trump và các chính sách mà ông đưa ra, nhưng không có thêm tình tiết mới, nên nhà đầu tư đã trở lại mua vào trên thị trường chứng khoán, giúp phố Wall hồi phục bất chấp giá dầu thô lao dốc mạnh.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Dow Jones tăng 37,46 điểm (+0,18%), lên 21.173,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,81 điểm (+0,16%), lên 2.433,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,32 điểm (+0,36%), lên 6.297,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Ngân hàng Banco Popular của Tây Ban Nha được cứu đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, việc giá dầu lao dốc, kéo các cổ phiếu năng lượng lao theo đã khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm, nhưng mức giảm chỉ khiêm tốn. Ngoại trừ chứng khoán Anh giảm khá mạnh khi giới đầu tư đang thận trọng trước cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,33 điểm (-0,62%), xuống 7.478,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,63 điểm (-0,14%), xuống 12.672,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,69 điểm (-0,07%), xuống 5.265,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại, nhưng mức tăng rất khiêm tốn khi nhà đầu tư vẫn thận trọng trước các sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng sắp diễn ra. Chứng khoán Hồng Kông quay đầu giảm nhẹ do áp lực chốt lời khi chỉ số Hang Seng lên mức cao nhất gần 2 năm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại tiếp tục duy trì đà tăng mạnh sau hàng loạt tin tốt được công bố.

Theo đó, nhiều công ty niêm yết của Trung Quốc kêu gọi nhân viên mua vào cổ phiếu của công ty và công ty sẽ chịu trách nhiệm về các khoản lỗ nếu có, miễn là họ nắm giữ đủ 12 tháng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong ngày cũng đã bơm ròng 180 tỷ nhân dân tệ vào thị trường…

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 4,72 điểm (+0,02%), lên 19.984,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 22,98 điểm (-0,09%), xuống 25.974,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,20 điểm (+1,23%), lên 3.140,23 điểm.

Sau khi leo lên mức cao nhất 7 tuần, giá vàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời kỹ thuật và sự hồi phục trở lại của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, đà lao dốc của giá dầu thô cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng.

Kết thúc phiên 7/6, giá vàng giao ngay giảm 6,8 USD (-0,52%), xuống 1.286,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 4,3 USD/ounce (-0,33%), xuống 1.293,2 USD/ounce.

Giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng 3,3 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo giảm 3,5 triệu thùng. Đây là tuần tăng đầu tiên sau 10 tuần giảm liên tiếp trước đó của kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Dữ liệu làm giới đầu tư ngạc nhiên và càng tạo thêm nỗi lo dư cung, khiên giá dầu giảm tới 5% trong phiên.

Kết thúc phiên 7/6, giá dầu thô Mỹ giảm 2,47 USD/thùng (-5,40%), xuống 45,72 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,06 USD (-4,29%), xuống 48,06 USD/thùng. 

Tin bài liên quan