Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giá dầu thô lại kéo chứng khoán “bay cao”, níu chân giá vàng

(ĐTCK) Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm, giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc và cản trở đà tăng của giá vàng.

Theo dữ liệu vừa công bố, đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 1 do nhu cầu tăng trên diện rộng, thắp lên tia hy vọng cho các ngành sản xuất đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, với việc giá dầu thô hồi phục lên trên ngưỡng 33 USD/thùng, nỗi lo lắng về khả năng trả nợ của các công ty năng lượng với các ngân hàng đã tạm lắng xuống, giúp nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tăng giá mạnh trong 2 phiên vừa qua.

Các thông tin hỗ trợ giúp tâm lý nhà đầu tư vững tâm hơn, giups phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Năm với mức tăng của các chỉ số trên dưới 1%. Trong đó, với tất cả 10 chỉ số thành phần đều tăng điểm, chỉ số S&P 500 lần đầu tiên trong năm vượt qua đường trung bình 50 ngày.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones tăng 212,3 điểm (+1,29%), lên 16.697,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,9 điểm (+1,13%), lên 1.951,7 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,6 điểm (+0,87%), lên 4.582,21 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều tăng điểm rất mạnh trong phiên thứ Năm nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu tài chính, ngân hàng và giá dầu tăng mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh bắt nguồn từ sự khởi sắc của cổ phiếu ngân hàng Anh Lloyds. Trong phiên thứ Năm, sau khi thông báo trả cổ tức đặc biệt và lợi nhuận tăng cao, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng tới 13,5%.

Thị trường đang hướng tới cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia G20 vào cuối tuần này tại Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngờ cuộc họp này sẽ cung cấp thêm thông tin đủ mạnh có thể tác động tới tâm lý của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 145,63 điểm (+2,48%), lên 6.012,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 163,68 điểm (+1,79%), lên  9.331,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 93,11 điểm (+2,24%), lên 4.248,45 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Trung Quốc có phiên lao dốc mạnh với phiên giảm mạnh nhất trong tháng 2 sau khi xuất hiện thêm những dấu hiệu bất thường trên thị trường tài chính, kéo theo chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh theo.

Trong khi đó, trái ngược với chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản lại có phiên hồi phục tích cực khi đồng yên suy yếu so với đồng USD, hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 224,55 điểm (+1,41%), lên 16.140,34  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 303,7 điểm (-1,58%), xuống 18.888,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 187,65 điểm (-6,41%), xuống 2.741,25 điểm.  

Trên thị trường vàng, diễn biến của giá vàng khá giống với phiên trước đó. Giá kim loại quý cũng tăng khá mạnh trong phiên Á do nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư an toàn khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc.

Tuy nhiên, khi bước vào phiên Âu và Mỹ, giá vàng đã hạ nhiệt khi chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh, cùng với đó là áp lực chốt lời gia tăng khi giá kim loại quý chạm ngưỡng 1.240 USD/ounce.

Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD (+0,35%), lên 1.232,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.238,8 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Genscape, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần từ 19-24/2 tăng thêm 503.000 thùng, lên 67,5 triệu thùng.

Còn theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Tư, kho dự trữ dầu thô tăng thêm 333.000 thùng, lên mức 65,1 triệu thùng, mức cao kỷ lục trong tuần thứ Tư liên tiếp.

Dù liên tiếp tăng lên mức cao kỷ lục, nhưng mức tăng này thấp hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Do đó, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh.

Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,92 USD (+2,86%), lên 33,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,88 USD (+2,56%), lên 35,29 USD/thùng.

Tin bài liên quan