Giá dầu tăng trở lại do lo ngại Nga - Ukraine và IEA kêu gọi cắt giảm sử dụng năng lượng

Giá dầu tăng trở lại do lo ngại Nga - Ukraine và IEA kêu gọi cắt giảm sử dụng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu đã tăng hơn 3% vào sáng thứ Hai (21/3) sau khi các cuộc đàm phán Nga - Ukraine dường như không có dấu hiệu tiến triển và thị trường tiếp tục lo lắng về nguồn cung thắt chặt và làm dấy lên lời kêu gọi của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhằm giảm nhu cầu dầu.

Giá dầu đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 thì giá dầu đã giảm hơn 20% vào tuần qua và xuống dưới 100 USD/thùng, nhưng đã hồi phục trở lại.

Trong một lưu ý hôm thứ Hai (21/3), Ngân hàng Mizuho cho biết, có hai yếu tố đang đẩy giá dầu lên cao hơn là sự không chắc chắn kéo dài giữa Nga - Ukraine cũng như hy vọng tác động mới nhất của Covid-19 với Trung Quốc có thể ít nghiêm trọng hơn dự đoán trong bối cảnh kỳ vọng nới lỏng các hạn chế.

Các quan chức Ukraine và Nga đã gặp nhau để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng cho đến nay vẫn không đạt được những nhượng bộ quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy đã kêu gọi một vòng đàm phán khác với Moscow.

“Nếu những nỗ lực này thất bại, điều đó có nghĩa là đây là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, Tổng thống Ukraine Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào sáng Chủ nhật (20/3).

Các nhà phân tích Brian Martin và Daniel Hynes của ANZ Research đã viết trong một ghi chú: “Cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị phá vỡ đã chứng kiến ​​giá dầu thô tiếp tục phục hồi vào thứ Sáu (18/3). Tuy nhiên, nó không thể bù đắp được khoản sụt giảm hồi đầu tuần”.

Trong khi đó, nguồn cung thắt chặt tiếp tục khiến thị trường lo lắng và làm dấy lên lời kêu gọi của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về "các biện pháp khẩn cấp" để giảm sử dụng dầu.

Xung đột giữa Nga - Ukraine đã dẫn đến những lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu và khí đốt của Nga. Anh và Liên minh châu Âu cũng cho biết họ sẽ loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo số liệu thống kê từ Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu và 17% lượng khí đốt toàn cầu vào năm 2021, và bằng 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu trong cùng thời kỳ.

Các chính phủ Liên minh châu Âu sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này khi EU xem xét lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga.

Commonwealth Bank of Australia cũng cảnh báo rằng, giá dầu đã giảm vì các thị trường chủ yếu vẫn định giá dầu bằng cách “đánh giá khả năng có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine”.

Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng của ngân hàng cho biết: “Tình trạng thiếu hụt vật chất liên quan đến các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga, cuối cùng sẽ đóng vai trò chi phối hơn trong việc xác định giá dầu”.

Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: “Việc ngành công nghiệp không có khả năng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nguồn cung tiềm năng nào rõ ràng đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống”.

Trong khi đó, IEA cũng đưa ra các đề xuất nhằm giảm nhu cầu dầu bao gồm giảm tốc độ giới hạn cho các phương tiện, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần và tránh di chuyển bằng đường hàng không vì công việc.

IEA cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng, việc thực hiện đầy đủ các biện pháp này ở các nền kinh tế tiên tiến có thể cắt giảm nhu cầu dầu 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng tới so với mức hiện tại”.

Tin bài liên quan