Sau giá dầu, đến lượt dữ liệu bán lẻ khiến giới đầu tư phố Wall buồn lòng - Ảnh: Reuters

Sau giá dầu, đến lượt dữ liệu bán lẻ khiến giới đầu tư phố Wall buồn lòng - Ảnh: Reuters

Giá dầu tăng mạnh, dữ liệu bán lẻ “nhấn chìm” phố Wall

(ĐTCK) Các lệnh mua chốt lại các hợp đồng sắp hết hạn giúp giá dầu có phiên tăng mạnh nhất 2,5 năm, trong khi dữ liệu bán lẻ đáng thất vọng của Mỹ đã nhấn chìm chứng khoán.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12 giảm 0,9%, mức giảm lớn nhất trong 11 tháng do nhu cầu giảm trong mọi lĩnh vực. Đây là con số gây thất vọng lớn cho giới phân tích và đầu tư, bởi tất cả đều dự đoán con số này sẽ tăng 0,1% và khả năng tăng tốc mạnh trong chi tiêu của người tiêu dùng trong quý IV/2014 khi giá dầu rơi mạnh.

Dữ liệu này đã tạo lên tâm lý bất an đối với nhà đầu tư, khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch thứ Tư.

Bất chấp việc giá dầu thô bất ngờ hồi phục mạnh hơn 5% trở lại trong phiên này, nhưng giới đầu tư không mấy tin tưởng vào xu hướng phục hồi của giá dầu, mà chỉ cho đó là hồi phục kỹ thuật, bởi nguồn cung đang dư thừa, nên giá loại nhiên liệu này khó có khả năng hồi phục, nên không mấy ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Trong khi rủi ro tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu hiện hữu khi Ngân hàng Thế giới vừa có báo cáo giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 và 2016 với lý do triển vọng kinh tế đáng thất vọng tại khu vực đồng euro, Nhật Bản và một số nền kinh tế mới nổi lớn. Do đó, hiện giới đầu tư đang trông chờ chính vào kinh tế Mỹ, vốn đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt thời gian gần đây. Sau 15 năm nhìn kinh tế Trung Quốc tăng tốc, kinh tế Mỹ hiện đang dần trở lại vai trò đầu tàu kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dữ liệu bán lẻ của Mỹ vừa công bố gây thất vọng đã khiến lo lắng của giới đầu tư tăng thêm và do đó, dù giá dầu hồi phục, nhưng với những thông tin tiêu cực liên tiếp ở trên khiến phố Wall giảm mạnh trong ngày thứ Tư và cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ.

Với dữ liệu yếu kém, giới phân tích cho rằng, khó có khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trong năm nay.  Một quan chức FED cho biết, sẽ là một ý tưởng tồi nếu cơ quan này tăng lãi suất trong năm 2015.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Dow Jones giảm 186,59 điểm (-1,06%), xuống 17.427,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,76 điểm (-0,58%), xuống 2.011,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,18 điểm (-0,48%), xuống 4.639,32 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dữ liệu bán lẻ thất vọng của Mỹ khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong tuần của chứng khoán khu vực này.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 153,74 điểm (-2,35%), xuống 6.388,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 132,92 (-1,25%), xuống 9.817,08 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 67,04 điểm (-1,56%), xuống 4.223,24 điểm.

Sự sụt giảm của giá dầu và lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Tư. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm tới hơn 1,7%, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại sau phiên tăng điểm trước đó. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông giảm điểm khi người đứng đầu đặc khu này cho biết sẽ chấm dứt chính sách nhập cư đâu tư. Chính sách này đã cung cấp 0lượng lớn vốn cho các quỹ đầu tư từ những người nhập cư giàu có, nhất là từ Trung Quốc đại lục. Vì vậy, việc tạm đình chỉ chính sách này khiến cho nguồn tiền vào thị trường giảm sút và qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 291,75 điểm (-1,71%), xuống 16.795,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 103,37 điểm (-0,43%), xuống 24.112,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 12,86 điểm (-0,40%), xuống 3.222,44 điểm.

Báo cáo dữ liệu bán lẻ thất vọng được công bố giúp vàng tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, vượt qua mức 1.244 USD/ounce, mức cao nhất kể từ 23/10/2014. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, áp lực chốt lời sớm đã đẩy giá kim loại quý này quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng vẫn giữ được ở quanh mức cao nhất 11 tuần.

Kết thúc phiên 14/1, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.229,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.234,5 USD/ounce.

Trong khi chứng khoán và vàng giảm, thì giá dầu bất ngờ có phiên hồi phục mạnh với mức tăng lớn nhất trong 2,5 năm khi các nhà đầu tư chốt lại những hợp đồng hết hạn. Sự phục hồi này được giới đầu tư đánh giá chỉ mang tính kỹ thuật ngắn hạn và miễn cưỡng. Xu hướng chính của giá dầu vẫn là giảm, bởi nguồn cung đang dư thừa, trong khi nhu cầu sụt giảm do tốc độ tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 14/1, giá dầu thô Mỹ tăng 2,59 USD/thùng (+5,34%), lên 48,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,10 USD (+4,31%), lên 48,69 USD/thùng.

Tin bài liên quan