Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 do nhu cầu dầu tăng ở phương Tây

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 do nhu cầu dầu tăng ở phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tiếp tục kéo dài đà tăng trong bối cảnh nhu cầu ở các nước phương Tây đang có dấu hiệu phục hồi và sau khi OPEC+ đưa ra đánh giá lạc quan về triển vọng thị trường dầu mỏ.

Giá dầu tương lai WTI tiếp tục tăng 0,8% sau khi đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 vào ngày 2/6. Giá dầu Brent cũng tăng và dao động trên 70 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu Brent
Diễn biến giá dầu Brent

Theo Descartes Labs, nhu cầu xăng dầu ở Mỹ vào tuần trước đang ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, trong khi giao thông trên các tuyến đường ở nước Anh lần đầu tiên đông hơn mức trước đại dịch.

Điều đó diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết hôm thứ Ba (1/6) rằng, tiêu thụ "đã có dấu hiệu cải thiện rõ ràng" khi liên minh OPEC+ thông qua việc tăng sản lượng vào tháng 7.

Theo đó, OPEC+ đã nhất trí sẽ tăng sản lượng 841.000 thùng/ngày vào tháng 7 sau khi tăng sản lượng trong tháng 5 và tháng 6. Sau tháng 7, OPEC+ dự kiến ​​sẽ không thay đổi nguồn cung cho đến tháng 4/2022 theo thỏa thuận đã ký một năm trước để giải cứu các nhà sản xuất khỏi cuộc chiến giá gay gắt về giá.

Tuy nhiên, thỏa thuận có thể được thương lượng lại và sẽ có áp lực phải làm như vậy khi nhu cầu tiếp tục phục hồi. OPEC+ dự kiến sẽ có cuộc họp tiếp tục vào ngày 1/7 tới.

Ngoài ra, sự phục hồi của dầu thô lên mức cao nhất trong hơn 2 năm được hỗ trợ bởi một dấu hiệu cho thấy các cường quốc thế giới và Iran khó có thể sớm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mặc dù đã có kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân của Iran sẽ đạt được trong tháng này nhưng sau đó suy đoán về khả năng Mỹ có thể sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran đã phần nào vơi đi.

Và trong khi nhu cầu đang tăng lên ở các khu vực của phương Tây, tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á tiếp tục gây ra mối đe dọa về tiêu thụ dầu trong khu vực.

Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu từ Rystad Energy cho biết: “Thị trường dầu đã hoan nghênh quyết định của OPEC+ tuân theo kế hoạch sản xuất hiện tại của mình và cùng với những dấu hiệu tích cực từ nhu cầu toàn cầu, giá đang tăng hơn nữa. Tuy nhiên, các ca bệnh Covid-19 đang lan rộng ở Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á sẽ khiến giá dầu khó tăng mạnh”.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nếu liên minh không thúc đẩy sản lượng vào cuối năm nay, giá dầu sẽ đối mặt với áp lực tăng hơn nữa.

“Một điều rõ ràng là trong trường hợp không thay đổi chính sách, với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, chúng ta sẽ thấy khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng lớn”, ông cho biết.

Tin bài liên quan