Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu tại phiên họp chính phủ tại Moscow ngày hôm qua rằng, việc nguồn cung bị gián đoạn, do cháy rừng diện rộng xảy ra tại Canada và sự tấn công của các phiến quân tại Nigeria – một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đẩy giá dầu lên cao hơn. Tuy nhiên, điều này không cải thiện viễn cảnh tăng trưởng của giá dầu, bởi chưa có yếu tố cơ bản nào của thị trường thay đổi.
“Không có yếu tố cơ bản nào của thị trường tác động tới sự tăng trưởng của giá dầu. Chúng ta nên tạo kế hoạch tài chính dựa trên các yếu tố nền tảng”, Siluanov cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, bối cảnh hiện tại gợi nhắc lại khoảng thời gian vào quý II năm ngoái, khi một số yếu tố “ít có” xuất hiện tác động tới giá dầu.
Thông điệp này từ Nga rõ ràng đã trái ngược với cách nhìn của OPEC, bởi tại cuộc họp diễn ra trong tuần trước, tổ chức này nhận định thị trường dầu mỏ đang đi đúng hướng. Bằng chứng là giá dầu đã tăng hơn 85% tại New York, so với mức đáy thấp nhất 12 năm vào tháng 2/2016.
Các trung tâm dự báo uy tín, bao gồm Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Goldman Sachs Group cũng cho rằng, tình trạng dư cung, vốn là nguyên nhân dẫn tới giá dầu sụp đổ từ năm 2014, cuối cùng đã đi đến hồi kết.
Nga, nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê út, đã quyết định trì hoãn việc cải thiện chi tiêu ngân sách trong năm nay. Nền kinh tế Nga đã bước vào năm thứ hai suy thoái liên tiếp và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga đang phải vật lộn để giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP, sau khi con số này đạt mức cao nhất trong 5 năm vào năm 2015.
Các tính toán chi tiêu của Nga sẽ chủ yếu dựa trên định giá giá dầu ở mức 40 USD/thùng cho tới năm 2019.