Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam vừa khai thác để xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu thô nên giá dầu thô lao dốc sẽ có tác động 2 chiều.
Ðứng ở góc độ là nước khai thác dầu để xuất khẩu, việc giảm giá dầu thô sẽ làm giảm giá trị của sản lượng khai thác, do đó ảnh hưởng tới hoạt động của ngành khai thác dầu khí.
Tuy nhiên, kế hoạch khai thác dầu thô của Việt Nam năm sau thấp hơn năm trước, vì trữ lượng của các mỏ không nhiều; giá trị của khai thác dầu thô chiếm khoảng 70% trong ngành công nghiệp khai khoáng và toàn bộ công nghiệp khai khoáng chỉ chiếm khoảng 12% trong toàn ngành công nghiệp.
Do đó, xét về tổng thể, việc dầu thô giảm giá sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Song ở chiều ngược lại, khi dầu thô giảm giá thì giá xăng dầu giảm. Việc nhập khẩu xăng dầu với giá rẻ hơn sẽ tác động làm giảm giá thành sản phẩm trong nước, qua đó kích thích sản xuất.
Do Việt Nam phải nhập khẩu nhiều dầu thô để chế biến và nhập khẩu xăng dầu sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng, nên giá dầu sụt giảm sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.
“Ðối với tổng thể tăng trưởng chung của nền kinh tế, tác động của giá dầu giảm sẽ thuận lợi nhiều hơn. Lý do là vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế, việc giảm giá xăng dầu làm cho chi phí sản xuất giảm, giá thành sản phẩm giảm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.
Hơn nữa, khi giá xăng dầu giảm, chỉ số CPI cũng sẽ giảm. “Vừa qua, giá xăng dầu giảm là một trong những yếu tố quan trọng khiến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 2, tháng 3 và tháng 4 giảm, giúp CPI bình quân của quý I và 4 tháng đầu năm 2020 giảm dần so với CPI bình quân của tháng 1 và 2 tháng đầu năm. Ðiều này giúp cho việc kiểm soát lạm phát của nền kinh tế có khả năng thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đặt ra. Cho nên, nền kinh tế sẽ có lợi trong kiểm soát CPI”, ông Lâm nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại trên toàn cầu ở mức thấp, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nên giá dầu khó có thể tăng, thậm chí tiếp tục giảm.
Ðây là yếu tố làm giảm chỉ số giá tiêu dùng trong quý I, dự kiến trong các quý tới cũng như cả năm 2020. Do đó, mục tiêu duy trì chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp dưới 4% là hoàn toàn có khả năng đạt được.
TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia đến từ Viện Ðào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, đối với Việt Nam, giá dầu thế giới giảm góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập siêu xăng dầu từ năm 2015 đến nay, trong đó năm 2019 nhập siêu 5,6 tỷ USD, ông Lực cho rằng, giá dầu giảm là yếu tố tích cực giúp Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, cũng như cải thiện lợi nhuận nói chung. Tổng thể, giá dầu giảm làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, điểm tiêu cực là giá dầu giảm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hoạt động đầu tư, khai thác và lọc hóa dầu.
Liệu Việt Nam có cần xem xét lại kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh giá dầu giảm và dự báo duy trì ở mức thấp trong năm nay? Tổng cục Thống kê cho rằng, chưa nên tính đến.
“Giá xăng dầu giảm trong giai đoạn rất đặc biệt. Trong bối cảnh tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hoạt động ngừng trệ, khả năng tiêu thụ xăng dầu cần thời gian để phục hồi bằng mức khi nền kinh tế hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch. Do đó, dầu thô giảm giá vào thời điểm này không có tác dụng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong ngắn hạn. Giá xăng dầu giảm sâu chỉ thực sự có tác động khi nền kinh tế bình ổn”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.