TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam.
Cuối năm 2018, giá dầu đã đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, thị trường dầu thô dường như trở nên nhạy cảm hơn trước ảnh hưởng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo ông, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tác động ra sao tới thị trường dầu thô?
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, về tổng thể, cân bằng cung cầu dầu thế giới không có biến động nhiều, nguồn cung vẫn có, trong khi nhu cầu về dầu tăng trưởng chậm chứ không nhanh như trước đây.
Tác động tới giá dầu nhiều nhất là chính trị. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung trên thực tế không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, mà có ảnh hưởng đến một loạt nước khác. Khi đó, nếu kinh tế toàn cầu chỉ cần tăng trưởng chậm lại 0,1-0,2% là đã quay lại tác động lớn tới nhu cầu dầu mỏ của cả thế giới.
Vấn đề là mối quan hệ Mỹ - Trung này rất khó lường và chúng ta đã thấy, Tổng thống Donald Trump hôm trước tuyên bố cấm các công ty công nghệ của Mỹ hợp tác với Huawei, nhưng ít hôm sau lại nới lỏng… Do các động thái chính trị khó lường nên thị trường dầu mỏ cũng khó lường theo là vậy.
Cũng không chỉ có quan hệ Mỹ - Trung khó lường và có tác động tới thị trường dầu mỏ, mà quan hệ giữa Mỹ và Iran, giữa Mỹ với Trung Đông, hay giữa Mỹ với Nga đều được giới quan sát quan tâm, bởi đây đều là các nước sản xuất dầu mỏ với sản lượng lớn và nằm ngay giữa trung tâm địa chính trị dầu mỏ thế giới.
Nhu cầu dầu của thế giới và khả năng đáp ứng của nguồn cung có vấn đề gì đáng lo ngại không, thưa ông?
Nguồn cung không đáng lo ngại, nghĩa là không có sự mất cân đối lớn về cung - cầu xét về tổng thể.
Về tổng thể là như thế, nhưng cung cầu khu vực và theo thời điểm có lúc này, lúc khác, chỗ này, chỗ khác bị biến động. Ví dụ như các động thái gây khó dễ trên một số eo biển quan trọng, khiến tàu chở dầu đi qua rất khó khăn, hay quyết định mua vào hoặc bán từ kho dự trữ dầu chiến lược của các nước tiêu thụ nhiều dầu,… cũng đều tác động lên giá dầu thế giới.
Đơn cử như Mỹ, với kho dự trữ dầu quy mô lớn, nên khi lượng dầu dự trữ đạt đỉnh, hay chạm đáy, thì giá dầu thế giới cũng bị ảnh hưởng theo.
Năm 2016, giá dầu xuống khá thấp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải “đóng cửa” một số mỏ đang hoạt động vì không có lợi nhuận. Vậy giá dầu thế giới ở mức nào thì hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam không gặp khó khăn, thưa ông?
Trước tiên, cần phải nói rằng, từ “đóng cửa” không có nghĩa là dừng khai thác, mà là tối ưu hoạt động khai thác các mỏ để giảm lỗ. Nguyên do, các chi phí thuê tầu nổi (FSO), hay vận hành ngoài giàn là các chi phí cố định, không khai thác vẫn phải trả tiền, nên dừng khai thác thì còn lỗ hơn.
Trên thực tế, mỗi mỏ đều đưa ra 1 mức giá breakeven point (điểm hòa vốn), là chỉ số quyết định đầu tư cho dự án. Ả rập Xê-út thì chỉ cần 15-20 USD/thùng là dự án đã khai thác tốt. Thậm chí họ đã từng đấu thầu dịch vụ thuê công ty nước ngoài vào khai thác dầu với chi phí được thuê chỉ 2 USD/thùng.
Tại các khu vực biển nông, địa chất không phức tạp thì mức giá breakeven point có thể là 30 USD/thùng, và ra xa hơn một chút thì phải 40 USD/thùng.
Với những mỏ tương đối phức tạp, phi truyền thống thì mức giá này phải là 50 USD/thùng, thậm chí có những khu vực đáy biển sâu 2.000 - 3.000 mét thì giá cũng phải trên 60 USD/thùng.
Dầu đá phiến của Mỹ trước đây giá breakeven point phải cỡ 60-70 USD/thùng, nhưng do công nghệ phát triển, nên giờ xuống còn ở mức 30 - 40 USD/thùng và đã cạnh tranh được với dầu truyền thống.
Tại Việt Nam, mức giá này có cao hơn so với mức trung bình của thế giới do các mỏ dầu của chúng ta ở ngoài biển, địa chất phức tạp hơn. Theo tính toán của chúng tôi thì khi giá dầu thế giới ở mức từ 40 USD/thùng trở lên thì các doanh nghiệp khai thác dầu tại Việt Nam có thể hoạt động được. Tất nhiên, với mức giá 40-50 USD/thùng thì việc có nguồn lực để duy trì và phát triển bền vững là rất khó khăn.
Vậy theo ông, với mức giá dầu thế giới là bao nhiêu thì hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam diễn biến theo chiều hướng thuận lợi?
Với mức giá dầu thế giới từ 60 - 70 USD/thùng là tốt cho các hoạt động dầu khí và ngành dầu khí sẽ bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cho năm 2019. Thực tế, nửa đầu năm 2019, các chỉ tiêu của ngành dầu khí đều hoàn thành tốt.
Có một thực tế là trong vài năm trở lại đây, hoạt động đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò của ngành có sự giảm sút so với thời kỳ trước năm 2016. Theo ông, nên có kế hoạch phát triển ra sao trong thời gian tới và giải quyết những vấn đề thách thức trong công tác tìm kiếm, thăm dò, nâng cao trữ lượng dầu khí?
Tốc độ đầu tư của ngành dầu khí cho lĩnh vực thăm dò, khai thác hiện nay rất nhỏ giọt, điều này đe doạ tới sự phát triển bền vững của ngành và đương nhiên đe doạ đến sự đảm bảo an ninh năng lượng chung của đất nước.
Những năm gần đây, chúng ta ký được ít hợp đồng dầu khí mới, tức là ít nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư vào thăm dò dầu khí ở Việt Nam. Bản thân chúng ta tự đầu tư cũng không được nhiều.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất, theo tôi là môi trường đầu tư của chúng ta chưa khuyến khích khi có sự thay đổi. Có thể những cơ chế đang có đã phát huy rất tốt trong quá khứ, nhưng thời gian có nhiều thay đổi, nên những thể chế, quy định đó cũng cần cập nhật, có sự thay đổi theo để phù hợp với thực tế.
Khi khai thác dầu và khí, chúng ta cũng cần phải tiếp tục đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò để bù vào trữ lượng đã lấy lên. Để thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò thì cần các cơ chế phù hợp với tình hình hiện nay của ngành dầu khí.