Dù mở cửa trong sắc xanh, nhưng với việc giá dầu rơi tự do sau khi Goldman Sachs dự báo giá dầu giảm trong ngắn hạn và chưa cho thấy Vùng Vịnh sẽ giảm sản lượng. Việc giá dầu giảm mạnh khiến nhóm cổ phiếu năng lượng mất tới 2,8% trong phiên giao dịch đầu tuần mới, qua đó kéo các chỉ số chính của phố Wall quay đầu và có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp.
Không chỉ thế, dự báo lợi nhuận cho S&P 500 năng lượng đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, với lợi nhuận quý IV/2014 của ngành dự kiến giảm 21,1% so với năm trước, theo số liệu của Thomson Reuters. Thu nhập cho tất cả các doanh nghiệp trong S&P 500 dự kiến chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones giảm 96,53 điểm (-0,54%), xuống 17.640,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,55 điểm (-0,81%), xuống 2.028,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 39,36 điểm (-0,84%), xuống 4.664,71 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng chủ yếu giao dịch với sắc xanh, nhưng có thời điểm bị rung lắc mạnh khi báo cáo của Goldman Sachs được công bố, ảnh hưởng tới giá dầu thô và nhóm cổ phiếu năng lượng, giống như thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, các chỉ số chứng khoán của châu Âu đã kịp hồi phục vào cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm như hàng không và các nhà sản xuất xe hơi.
Kết thúc phiên 12/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 0,28 điểm (+0,00%), lên 6.501,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 113,40 (+1,38%), lên 9.781,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 49,17 điểm (+1,18%), lên 4.228,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Hồng Kông tăng khá khi Li Ka-shing, người giàu nhất châu Á công bố tái cơ cấu tập đoàn của mình thành 2 mảng chính là bất động sản và các ngành khác như viễn thông, bán lẻ và năng lượng. Sau thông tin này, cổ phiếu của một số công ty thuộc tập đoàn này niêm yết trên TTCK Hồng Kông tăng mạnh 13-15%, kéo chứng khoán đặc khu này tăng điểm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lúc vẫn chịu áp lực chốt lời mạnh.
Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 106,51 điểm (+0,45%), lên 24.026,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 56,10 điểm (-1,71%), xuống 3.229,32 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên đầu tuần.
Trong khi chứng khoán và dầu sụt giảm mạnh, thì vàng tiếp tục có phiên tăng ấn thượng, lên mức cao nhất 4 tuần khi nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng khi thị trường chứng khoán gần đây đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi kinh tế của Liên minh châu Âu cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Kết thúc phiên 12/1, giá vàng giao ngay tăng 10 USD (+0,82%), lên 1.233,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 cũng tăng lên mức 1.232,8 USD/ounce.
Như đã đề cập ở trên, giá dầu giảm trên dưới 5% trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất gần 6 năm sau khi một báo cáo của Goldman Sachs giảm dự báo giá dầu thô Brent trong 3 tháng tới là 42 USD/thùng từ mức dự báo trước đó là 80 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ là 41 USD/thùng từ mức 70 USD/thùng. Trong khi đó, sản lượng khai thác ở vùng Vịnh không có dấu hiệu giảm.
Sau báo cáo này, giá dầu thô Brent có phiên giảm mạnh thứ 3 kể từ năm 2011 và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Đây cũng là phiên giảm thứ 10 trong 12 phiên gần đây của dầu Brent.
"Chúng tôi dự đoán giá dầu trong tương lai gần sẽ về 40 USD/thùng, nhưng mọi thứ dường như đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến", Tariq Zahir của Tyche Capital Advisors cho biết.
Kết thúc phiên 12/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,29 USD/thùng (-4,97%), xuống 46,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,68 USD (-5,65%), xuống 57,43 USD/thùng.