Trong tuần trước thềm cuộc trưng cầu dân ý này, thị trường toàn cầu đang chủ yếu tập trung vào kịch bản tương lai nước Anh sẽ ra sao. Tính tới thời điểm gần nhất, một số thăm dò dư luận cho thấy, số người Anh bỏ phiếu ở lại EU đang thu hẹp khoảng cách và có tỷ lệ sít sao so với số lựa chọn rời bỏ EU. Tín hiệu tích cực này khiến thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt “xanh sàn” trong những phiên giao dịch gần đây, đồng bảng Anh cũng lên giá rất mạnh so với đồng USD, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 8 năm qua, còn giá dầu Brent biển Bắc tăng vượt ngưỡng 50 USD/thùng.
Giá “vàng đen” thế giới đã có thời điểm giảm khi các khảo sát, trưng cầu trước đó cho thấy, chiến dịch vận động rời bỏ EU đang thắng thế. Chuyên gia Michael Wittner tại Trung tâm Nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Ngân hàng Societe Generale (Pháp) lưu ý rằng, các rủi ro đảo chiều trên thị trường dầu mỏ có thể còn tiếp diễn và càng nổi bật trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu.
“Những tuần gần đây, các thị trường đặc biệt quan ngại về chính sách lãi suất âm tại nhiều quốc gia khác nhau, cũng như tốc độ tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự tập trung trong tuần này được đổ dồn vào cuộc trưng cầu dân ý tư cách thành viên EU của Anh. Điều này đã góp phần thúc đẩy những rủi ro đảo chiều nói chung trên thị trường dầu mỏ, vốn đã bị đè nặng từ sự phức tạp giữa nguồn cung và nhu cầu”, ông Michael Wittner đánh giá. Nếu Brexit xảy ra, sức ép tiêu cực đối với giá dầu sẽ càng gia tăng, song đây không phải là yếu tố nền tảng và sẽ không kéo dài.
Một số chuyên gia hàng hóa khác cũng cho rằng, sự dịch chuyển mạnh mẽ từ nguồn cung dư thừa sang một thị trường dầu mỏ cân bằng hơn đang diễn ra, song Brexit có thể có những tác động mang tính tâm lý kéo giá “vàng đen” sụt giảm khoảng 5%, song mức độ sụt giảm này chỉ là tạm thời.
Sau khi xuống đáy hồi tháng Hai năm nay, giá dầu đã chứng kiến giai đoạn phục hồi khả quan khi sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu cho thấy dấu hiệu chấm dứt. Nhu cầu “vàng đen” toàn cầu được dự báo sẽ tăng, trong khi nguồn cung yếu đi, hỗ trợ đáng kể cho giá dầu thô sau 2 năm liên tục sụt giảm. Giới chuyên gia dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng đáng kể trong nửa cuối năm 2016 và tiếp diễn trong năm tới.
Dù kết quả của Brexit có như thế nào, thì nó cũng là sự kiện “chưa từng có tiền lệ” đối với Anh và EU. Do đó, thị trường dầu mỏ sẽ có những phản ứng tức thì. Thế giới đã nhiều lần chứng kiến những “chất xúc tác ngắn hạn” gây biến động thị trường như sự biến động thất thường của kinh tế Trung Quốc (đặc biệt là thị trường chứng khoán và tiền tệ), cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro-Eurozone (Hy Lạp) hay tình trạng nợ nần tại Mỹ…
Đánh giá về những tác động liên quan, tỷ phú và cũng là nhà đầu tư nổi tiếng George Soros cho rằng, Brexit nếu xảy ra chắc chắn sẽ có những tác động lớn, châm ngòi cho tình trạng bán tháo đồng bảng Anh, khiến thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm và tạo ra suy thoái kinh tế.
Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Anh và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM), thu nhập trung bình của các hộ gia đình tại “đảo quốc sương mù” có thể giảm từ 3.000-5.000 bảng/năm do đồng bảng Anh mất giá mạnh trong trường hợp Brexit. Liệu đây có thể là lý do kéo người Anh nói “Không” với Brexit?