Giá dầu khó có thể trở lại thời “hoàng kim”

Giá dầu khó có thể trở lại thời “hoàng kim”

(ĐTCK) Những nhà đầu cơ trên thị trường “vàng đen” có thể vui mừng khi chứng kiến giá dầu thế giới phục hồi 40% kể từ mức thấp kỷ lục của 6 năm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trừ khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu thực sự tăng tốc, còn không các đợt tăng giá này chỉ là tạm thời.

Có nhiều dấu hiệu để các chuyên gia đưa ra nhận định này. Chính phủ Mỹ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có tăng nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với mức tương ứng của năm 2010, thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh đó, theo Tập đoàn dầu mỏ Royal Dutch Shell Plc (nhà sản xuất năng lượng lớn nhất châu Âu), bản thân mức tăng nhu cầu dầu mỏ không tương xứng với tình trạng dư cung hiện nay.

Còn nhớ giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc là rất lớn và đây là tác nhân kéo giá “vàng đen” lên, song nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện chỉ tăng khoảng 50% so với tốc độ tăng tương ứng của 1 thập kỷ qua.

Kể từ mức giá thấp kỷ lục của 6 năm (43,46 USD/thùng), hôm 17/3 vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã tăng hơn 17 USD và hiện giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng. Người đứng đầu Trung tâm Chiến lược các thị trường hàng hóa thuộc Ngân hàng BNP Paribas SA, Harry Tchilinguirian nhận định: “Các đợt tăng giá dầu mỏ thời gian gần đây được tạo ra nhờ giới đầu tư suy đoán thị trường đã thoát đáy và sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tiến tới ngưỡng giới hạn. Tuy nhiên, những yếu tố nền tảng, đặc biệt là tại Mỹ, vẫn chưa cho thấy sự biến chuyển nhiều”.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 12/5 cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày lên mức 94,58 triệu thùng/ngày trong năm 2016. Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cũng chỉ tăng 0,4% trong năm tới lên 19,44 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức của năm 2008. Nhà phân tích tại Ngân hàng Barclays Inc, Michael D. Cohen dự báo có thể còn lâu nữa kinh tế Mỹ mới ghi nhận mức tăng tiêu thụ dầu mỏ trên 1,5% trong một năm.

Cũng theo IEA, tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ chỉ tăng 3,1% năm 2016 lên 11,34 triệu thùng/ngày, so với mức tăng 11% của năm 2010 và trung bình 5,2% trong vòng 10 năm qua. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tại Quỹ đầu tư Again Capital LLC (có trụ sở tại New York), John Kilduff cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và chính phủ nước này đang tìm cách duy trì tăng trưởng theo chiều hướng tập trung vào sự ổn định và chất lượng tăng trưởng.

Vì vậy, nếu những biện pháp can thiệp để kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh không đem lại kết quả tích cực như kỳ vọng, thì kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại hơn nữa, qua đó tác động tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong nước.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể chỉ đạt 6,8% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ toàn cầu vẫn ở mức cao hơn nhu cầu tiêu thụ thực tế trong cả năm 2015 và 2016. Điều này sẽ dẫn đến lượng dầu dư cung ở mức khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay và 900.000 thùng/ngày trong giai đoạn nửa cuối năm, IEA cho biết.

Mặt khác, sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ còn tăng từ nay tới năm 2020. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, sự sụt giảm kỷ lục số giàn khoan dầu mỏ tại Mỹ có thể kết thúc ngay trong tháng này, khi các nhà điều hành đang “rục rịch” khoan thăm dò và khai thác trở lại tại khu vực Eagle Ford và Permian ở bang Texas (Mỹ). Trước đó, trong tuần kết thúc vào ngày 8/5, số giàn khoan dầu đã giảm xuống 668, mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Vì vậy, IEA cho rằng, sản lượng dầu mỏ hàng tháng của Mỹ có thể giảm trong quý III năm nay so với quý trước đó, song vẫn sẽ tăng trở lại trong giai đoạn 3 tháng cuối năm nay.

“Chúng ta sẽ chứng kiến nhu cầu phục hồi một phần do giá dầu mỏ thấp hơn trong dài hạn, song nhu cầu nói chung sẽ không tăng đủ nhanh so với nguồn cung”, Michael Lynch, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và năng lượng chiến lược tại Massachusetts chia sẻ.

Tin bài liên quan