Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giá dầu kéo phố Wall giảm trở lại, vàng tiếp tục lùi sâu

(ĐTCK) Sau khi hồi nhẹ phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng, phố Wall đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Ba do tác động từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm 3%. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục lùi bước và ở mức thấp nhất hơn 3 tháng.

Trong phiên thứ Tư, tin tức về kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh và nguồn cung từ Iraq, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 của OPEC gia tăng đã khiến giá dầu thô giảm tới hơn 3%, qua đó đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc.

Chỉ số S&P năng lượng giảm 1,91% trong phiên - mức giảm mạnh nhất trong 10 lĩnh vực của S&P, qua đó đẩy phố Wall đảo chiều trở lại.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng bị ảnh hưởng sau khi Macy công bố lợi nhuận giảm trong quý III và dự báo doanh thu, lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong quý IV.

Với việc nhà đầu tư đang mất phương hướng do bị ám ảnh với khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12, thì các thông tin như trên nhanh chóng tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường.  

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Dow Jones giảm 55,99 điểm (-0,32%), xuống 17.702,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,72 điểm (-0,32%), xuống 2.075,00 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,22 điểm (-0,32%), xuống 5.067,02 điểm.

Trong khi đó, trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại chỉ dao động trong sắc xanh trong phiên giao dịch thứ Tư nhờ thông tin kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn như Henkel, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng  và nhà quản lý mới của Carlsberg đưa ra kế hoạch tái cơ cấu, giúp nhóm cổ phiếu nhà sản xuất bia tăng vọt. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà tăng bị hãm lại do lực chốt lời gia tăng khi chứng khoán châu Âu ở mức cao nhất gần 3 tháng, trong khi nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất đang còn hiện hữu.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,92 điểm (+0,35%), lên 6.297,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 75,35 điểm (+0,7%), lên 10.907,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,35 điểm (+0,82%), lên 4.952,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng nhẹ sau dữ liệu kinh tế của Trung Quốc phù hợp với kỳ vọng được công bố.

Số liệu vừa công bố hôm thứ Tư cho thấy, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 11% so với cùng kỳ, cao hơn chút ít so với mức 10,9% theo thăm dò của Reuters.  Đầu tư đô thị tăng 10,2% trong tháng 10 đúng như dự báo, trong khi sản lượng công nghiệp tăng 5,6%, thấp hơn chút ít so với mức dự báo 5,8% của Reuters và là mức thấp nhất trong 7 tháng.

Dữ liệu này cũng giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều thành công trong những phút cuối phiên để có được sắc xanh khi chốt phiên sau phiên giảm nhẹ trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại tiếp tục giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,13 điểm (+0,10%), lên 19.691,39  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 49,53 điểm (-0,22%), xuống 22.352,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 9,76 điểm (+0,27%), lên 3.650,25 điểm.

Với giá vàng, dù nhận được thông tin hỗ trợ tích cực về nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ gia tăng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục mua vào trong 4 tháng qua, đồng USD hạ nhiệt trở lại và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc có mức tăng trưởng chậm nhất 7 năm, nhưng giá kim loại quý này vẫn tiếp tục có phiên giảm, dù đã giảm đã được hãm bớt vào cuối phiên.

Ngay khi bước vào phiên Mỹ, lực bán kỹ thuật đã đẩy vàng nhanh chóng rơi khỏi mốc 1.090 USD/ounce, xuống dưới 1.085 USD/ounce, trước khi bật nhẹ trở lại vào cuối phiên. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, giá kim loại quý này không tránh khỏi phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm giá thứ 10 trong 11 phiên giao dịch vừa qua, đứng ở mức thấp nhất hơn 3 tháng.

Kết thúc phiên 11/11, giá vàng giao ngay giảm 3 USD (-0,28%), xuống 1.086,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,6 USD (-0,33%), xuống 1.084,9 USD/ounce.

Sau khi hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba, giá dầu đã nhanh chóng lao dốc trở lại trong phiên thứ Tư khi nỗi lo dư cung gia tăng mạnh. Theo dữ liệu vừa công bố của Tập đoàn Công nghiệp Dầu khí Mỹ, kho dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 6,3 triệu thùng trong tuần trước, tuần tăng thứ 7 liên tiếp và mức tăng vượt xa con số dự báo trước đó là 1 triệu thùng. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra chính thức vào thứ Năm.

Trong khi đó, theo Reuters, một tàu trở dầu với gần 20 triệu thùng từ Iraq đang trên đường tới Mỹ trong tháng này, gần bằng 40% tổng lượng nhập của Mỹ trong tháng 10. Đây sẽ là tháng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ từ Iraq kể từ giữa năm 2012. Được biết, Iraq là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 OPEC sau Ả Rập Saudi.

Những thông tin trên đã khiến giá dầu thô lao dốc trong phiê thứ Tư.

Kết thúc phiên 11/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,28 USD/thùng (-3,0%), xuống 42,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,63 USD (-3,4%), xuống 45,81 USD/thùng.

Tin bài liên quan