Giá dầu giảm, kinh tế toàn cầu có khởi sắc?

Giá dầu giảm, kinh tế toàn cầu có khởi sắc?

(ĐTCK) Giá dầu đang giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, với mức giảm tới 16% kể từ giữa tháng 6/2014.

Ả Rập Saudi dự định sẽ cắt giảm sản xuất dầu sâu hơn nữa để giữ cho giá dầu không giảm thêm. Hệ thống xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cho biết, trong tháng gần đây, OPEC đã giảm sản lượng hơn 400.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, việc Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng dầu lại hầu như không gây được ảnh hưởng gì đến nguồn cung do được bù đắp bởi dầu đến từ các nước Iran, Iraq và Nigeria chưa kể mức tăng kỷ lục sản lượng dầu từ Mỹ. Trong dự kiến, giá quốc tế của dầu thô sẽ tăng rất nhẹ trong vòng 6 tháng tới, và giá vàng trong nước của Mỹ được dự báo sẽ rẻ hơn vào mùa Xuân tới. Đó có lẽ không hẳn là tin tốt đối với các nhà sản xuất - kinh doanh dầu, mặc dù vậy, nó hẳn nhiên lại là một tin tích cực đối với người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu.

Có hai giả thiết được đặt ra để giải thích cho sự suy giảm gần đây của giá dầu: Thứ nhất là do nhu cầu quá ít và nguồn cung cấp được tăng lên. Lý do thứ hai là do nền kinh tế của châu Âu vài năm nay hết sức trì trệ, tăng trưởng ở Trung Quốc thì chậm chạp, kinh tế Mỹ suy thoái đều dẫn đến việc tiết kiệm năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tăng trưởng nhu cầu thế giới về dầu trong năm nay thấp nhất kể từ năm 2011. Nhưng thực tế, có lẽ yếu tố thứ nhất được coi là hợp lý hơn. Tốc độ tăng sản lượng vượt quá nhu cầu và điều này dẫn đến giá dầu giảm mạnh.

Theo một báo cáo mới của Andrew Kenningham, một nhà kinh tế toàn cầu cao cấp tại Capital Economics, “những đánh giá thúc đẩy kinh tế toàn cầu có thể đo được từ giá dầu giảm. 10 đô la giảm giá mỗi thùng dầu tương đương với 0,5% GDP của thế giới từ sản xuất dầu cho người tiêu dùng”. Điều này sẽ có tác dụng tốt tới tiêu thụ toàn cầu, khi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn nhờ những cắt giảm chi phí dành cho năng lượng. Kenningham tiếp tục chia sẻ: “việc giảm giá dầu có thể sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng từ 0,2 đến 0,3% trong năm tới”.

Thế nhưng, xu thế tích cực này có những tác động không đồng đều với các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn như đối với châu Âu, nơi đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát thì giá dầu giảm khiến cho thách thức của Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng cao hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ của mình, cũng như các nhà kinh tế với những vật lộn nhằm kích thích tăng trưởng. Nó cũng không phải là một tin tốt lành đối với những quốc gia có quy mô sản xuất dầu lớn. Theo Kenningham thì trong khi Nga và hầu hết các khu vực Trung Đông sẽ có thể vượt qua được mức giá thấp này thì các nước như Brazil, Mexico và Venezuela sẽ gặp phải những khó khăn nhất định “chủ yếu vì họ đã quá phung phí nguồn năng lượng dầu mỏ mà họ nghĩ là trời ban cho họ này”.

Tuy nhiên, Kenningham có thể đã đánh giá hơi thấp tác động của giá dầu giảm đối với nền kinh tế Nga lúc này, khi nó đang chịu những áp lực khác, trong đó có việc Mỹ và châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ngay trong những ngày gần đây, việc giá dầu giảm đã gây thêm phần khó khăn cho nước này trong việc hỗ trợ đồng rúp khỏi mất giá. Doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí vốn đóng góp khoảng 1 nửa ngân sách nước này. Giá dầu giảm cũng đặt áp lực lên dự trữ ngoại hối của Nga, đã giảm 57 tỷ USD trong năm nay xuống còn 474,7 tỷ USD hôm 3/10.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 7/10 cho biết, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3,8% trong năm 2015, giảm so với mức dự báo hồi tháng 7 là 4%. Cơ quan Năng lượng quốc tế vừa hạ mức dự báo nhu cầu dầu cho năm nay và năm tới trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 11/9.

Trong khi đó, giá dầu WTI có thể sẽ tiếp tục giảm trong tuần này, theo một khảo sát riêng lẻ của Bloomberg. Có 14 trong số 28 nhà phân tích và nhà giao dịch dự đoán giá dầu giao sau sẽ giảm trong tuần này, trong khi có 8 người đoán giá tăng.   

Tin bài liên quan