Không thức ăn, không tiền lương, không đường về nước
Đầu tiên, họ không được trả lương, sau đó là không có việc làm. Những người lao động nước ngoài tại Ả Rập Xê út bị bỏ lại giữa sa mạc nóng nỏng, nơi thậm chí không thể tìm kiếm thức ăn. Các dịch vụ hỗ trợ y tế đã không còn được cung cấp cách đây 2 tháng.
Khi các công ty xây dựng bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế suy giảm của Vương quốc dầu mỏ này, hàng nghìn công nhân ngoại quốc tới từ Nam Á phải đối diện với cơn ác mộng thực sự.
“Họ không trả lời chúng tôi khi nào sẽ trả lương. Sau khi họ trả lương và các phúc lợi, tôi sẽ rời khỏi đây”, Mohammed Salajaldeen, một công nhân đường ống tới từ Bangladesh trả lời trước khu trại tại Riyadh, nơi từng là công trường xây dựng của công ty Saudi Oger.
Khi giới chức Ả Rập Xê út cắt giảm chi tiêu và trì hoãn thanh toán các khoản tiền dành cho các công ty xây dựng vì giá dầu giảm, các công ty xây dựng tại đây rơi vào tình cảnh hiểm nghèo bởi hàng thập kỷ qua, sự tăng trưởng của họ đều dựa vào chi tiêu của chính phủ. Điều này kéo theo hệ lụy là hàng ngàn lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động châu Á bị mắc bẫy tại đây.
Theo số liệu của Chính phủ Ả Rập Xê út, gần 16.000 lao động nước ngoài, bao gồm cả từ Ấn Độ, Pakistan… tại đây đã không được trả lương trong khoảng 8 tháng. Dưới hệ thông điều hành được biết tới là Kafala, nhiều lao động phụ thuộc hoàn toàn vào ông chủ, họ thậm chí không có visa để rời khỏi vương quốc này. Tại Ả Rập Xê út, việc cấp visa cho người lao động phụ thuộc vào các công ty – người thuê lao động, nhưng để làm được điều này, các công ty phải trả toàn bộ khoản lương và các phụ cấp khác.
Trong bối cảnh các công ty xây dựng như Saudi Oger Ltd và Saudi BinLadin Group không đoái hoài tới số công nhân này, dưới lệnh của Vua Salman, các công nhân ngoại quốc này được cung cấp thức ăn, dịch vụ y tế và có thể nhận visa trực tiếp từ chính quyền địa phương, Bộ Lao động Ả Rập Xê út cho biết trong thông báo ngày hôm nay (8/9). Mặc dù vậy, các công nhân nói rằng, họ không muốn rời khỏi đây khi chưa nhận được tiền lương.
8 công nhân cùng ở tại 1 căn phòng chật hẹp
Tình trạng của các khu lán trại dành cho công nhân ngoại quốc, từ Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và Philippines rất tệ hại. 8 công nhân phải ngủ trong một căn phòng chật hẹp, nhiệt độ lên tới 50 độ C và thường xuyên mất điện. Một số công nhân trong tình trạng thiếu thốn tới mức chỉ sở hữu một bộ quần áo.
Trong nhiều thập kỷ qua, Ả Rập Xê út là nơi cung cấp việc làm cho hàng triệu người lao động nước ngoài, cho phép họ có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình tại quê nhà. Năm 2014, vương quốc này xếp thứ hai sau Mỹ, trong danh sách các quốc gia có khoản tiền hồi hương của lao động lớn nhất, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi giá dầu sụp đổ, chính quyền phải nỗ lực khôi phục hệ thống tài chính do ảnh hưởng từ các chính sách chi tiêu mất cân bằng, ngành công nghiệp xây dựng tại Ả Rập Xê út là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên, khi việc xây dựng nhanh chóng giảm sút. Các công ty như Saudi Oger và Saudi BinLadin Group đã phải giảm lương và sa thải hàng nghìn nhân công.
Mặc dù vậy, trong tháng 3/2016, Phó Hoàng tử Mohamamed bin Salman trả lời Bloomberg rằng, tình trạng của các công ty xây dựng không hề phản ánh thực trạng của nền kinh tế Ả Rập Xê út. Thực tế, chính quyền nước này đã tạm thời đình chỉ việc nhận hợp đồng xây dựng mới của BinLadin Group sau tai nạn càn cẩu đổ sập tại Mecca, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, hơn 4.050 lao động của quốc gia này đang bị bỏ rơi mà không nhận được tiền công tại các khu trại của Saudi Oger.
Một công nhân ngồi bên ngoài khu trại tại Riyadh
Theo John Sfakianakis, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh cho rằng, các công ty xây dựng không có tiền để thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Họ cũng không có đáp ứng đủ điều kiện để tiếp nhận sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Hoạt động xây dựng tại đây đã giảm 65% trong quý II/2016 so với cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu từ National Commercial Bank. Chính phủ Ả Rập Xê út cũng không hề ký hợp đồng xây dựng nào trong kế hoạch quý III.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm chi tiêu công sẽ khiến nền kinh tế Ả Rập Xê út có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2008 trong năm nay. Điều này khiến các công ty xây dựng nói riêng và doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác khó lòng có thể trả lương cho nhiều lao động. Người lao động nước ngoài sẽ tiếp tục mắc kẹt tại sa mạc nóng bỏng và khó tìm được lối thoát.