Giá dầu giảm do Fed thận trọng giảm lãi suất, dự trữ của Mỹ tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu giao dịch tại châu Á đã quay đầu trong phiên giao dịch sáng ngày 28/2 do triển vọng chậm trễ cắt giảm lãi suất của Mỹ và tồn kho dầu thô của nước này tăng lên.
Khu vực dữ trữ dầu thô tại Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP

Khu vực dữ trữ dầu thô tại Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP

Tồn kho của Mỹ bù đắp cho tin tức OPEC+ gia hạn cắt giảm

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã giảm 30 cent, tương đương 0,36%, xuống còn 83,35 USD/thùng vào lúc 03:02 ngày 28/2 (giờ GMT), trong khi giá dầu WTI giao kỳ hạn của Mỹ giảm 28 cent xuống 78,59 USD/thùng.

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman hôm 27/2 cho biết bà không vội vàng với việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt trước những rủi ro lạm phát tăng cao có thể cản trở tiến trình kiểm soát áp lực giá hoặc thậm chí dẫn đến sự tái diễn lạm phát.

Một ngày trước đó, Chủ tịch Fed tại chi nhánh Kansas, ông Jeffrey Schmid, cũng đưa ra nhận định tương tự đối với việc cắt giảm lãi suất.

Những nhận định của Thống đốc Fed và Chủ tịch Fed tại chi nhánh Kansas đã làm dấy lên lo ngại trên thị trường tài chính rằng việc hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn sẽ bị lùi lại.

Bà Vandana Hari, nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết: "Có một số hoạt động chốt lời sáng nay sau khi hai phiên vừa qua đã thu bù lại được khoản phí bảo hiểm rủi ro Trung Đông 2 USD/thùng mà dầu thô đã giảm vào thứ 6 (tuần trước - BTV)".

"Đó là phản ứng hỗn tạp đối với mức tăng dự trữ dầu thô Mỹ trong dữ liệu hàng tuần của API (Viện Dầu khí Mỹ - BTV) và hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sẽ đạt được trong vài ngày tới", bà Hari nói thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/2 cho biết Israel đã đồng ý tạm dừng các hoạt động quân sự ở Dải Gaza nhân tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, Israel và Hamas cũng như các nhà hòa giải Qatar đều đưa ra những cảnh báo thận trọng về tiến trình hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 8,43 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/2. Dữ liệu cũng cho thấy tồn kho xăng giảm 3,27 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 523.000 thùng.

Giá dầu thô Brent và WTI giao kỳ hạn đã tăng hơn 1 USD/thùng trong ngày 27/2 sau thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (gọi chung là OPEC+) sẽ xem xét gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý II/2024.

Một trong những nguồn tin của liên minh OPEC+ cho biết việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng sang quý II là "có thể xảy ra". Thậm chí, hai nguồn tin khác cho rằng việc gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến cuối năm 2024 là rất có thể.

Tháng 11 năm ngoái, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/2024, trong đó Saudi Arabia đi đầu trong việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của mình.

Các nhà phân tích tại ANZ Research lưu ý rằng động thái như vậy của liên minh OPEC+ có thể sẽ thắt chặt nguồn cung thị trường.

Trong một diễn biến khác, chính quyền Nga hôm 27/2 đã công bố lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng kể từ ngày 1/3 để bù đắp cho nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và nông dân trong nước, đồng thời tiến hành bảo trì các nhà máy lọc dầu theo kế hoạch.

Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc giảm mạnh

Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm nay có thể chỉ bằng một nửa so với mức khi Covid xuất hiện vào năm 2019, do các ngành chủ lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vật lộn với sự suy thoái, theo Eurasia Group.

Eurasia Group nêu trong báo cáo mới công bố rằng Trung Quốc - một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới - khó có thể quay trở lại mô hình tăng trưởng kinh tế sử dụng nhiều dầu mỏ trong năm nay, do lĩnh vực xây dựng và ô tô - hai động lực chính cho nhu cầu dầu mỏ - hiện có vẻ "kiệt sức".

Eurasia Group dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 250.000 - 350.000 thùng/ngày, chưa bằng một nửa so với năm 2019; đồng thời lưu ý tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của nước này sẽ không quay trở lại mức triệu thùng mỗi ngày như trong giai đoạn 2015 - 2020.

Như vậy, sức tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc mà ngành công nghiệp dầu mỏ đã dựa vào trong hai thập kỷ qua đã trở nên yếu ớt, thậm chí không còn nữa.

Eurasia Group cho rằng, ngay cả khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc phục hồi, thì sự tăng trưởng trong tương lai ở mức trước đại dịch Covid-19 "là không thể xảy ra" do mức nợ tăng vọt của nước này, nhân khẩu học giảm và triển vọng tăng trưởng GDP giảm.

Còn theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ấn Độ sẽ thay thế vị trí của Trung Quốc là động lực chính cho nhu cầu dầu toàn cầu cho đến năm 2030.

Còn các nhà phân tích từ JPMorgan cho biết tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất lịch sử là 16,03 triệu thùng/ngày vào năm ngoái - tăng trưởng 1,2 triệu thùng/ngày - do nước này tận dụng giá dầu lao dốc để nhập khẩu khối lượng lớn dầu thô giá rẻ.

Con số kỷ lục cũng được thúc đẩy nhờ mức độ đi lại của hành khách nội địa tăng lên sau khi các biện pháp phòng chống dịch Covid được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, JPMorgan cho biết các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ kỷ lục vào năm ngoái đang mờ dần trong năm nay với ước tính tăng 530.000 thùng mỗi ngày khi Trung Quốc tiếp tục trên quỹ đạo "tăng trưởng chất lượng thấp".

Bà Linda Giesecke, giám đốc khối sản phẩm tinh chế tại công ty năng lượng Rapidan Energy, đánh giá: "Sự suy thoái kinh tế của đất nước (Trung Quốc - BTV) đang đè nặng lên tăng trưởng nhu cầu xăng và đặc biệt là dầu diesel".

Tin bài liên quan