Giá dầu giảm: Cổ phiếu dầu khí, phân bón diễn biến trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu sau thời gian bứt phá đã quay đầu giảm trong tuần qua khiến nhóm cổ phiếu dầu khí bị ảnh hưởng khá tiêu cực, trong khi nhóm phân bón có diễn biến ngược lại.
Giá dầu giảm: Cổ phiếu dầu khí, phân bón diễn biến trái chiều

"Hiệu ứng" giá dầu giảm

Từ đầu năm 2023, giá dầu thô ước tính tăng mạnh hơn 17% và đã có lúc giao dịch ở mức cao 94 USD/thùng vào đầu tháng 9, mà nguyên nhân chủ yếu do khối OPEC+ và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, giá dầu những ngày qua đã có sự đảo chiều. Trong tuần giao dịch trước (từ ngày 2/10 đến ngày 8/10), giá dầu thế giới đã giảm ngay trong phiên đầu tuần, phiên giữa tuần dù có tăng nhẹ nhưng sau đó đã quay đầu giảm và duy trì đà giảm cho đến hết tuần, khiến giá dầu thế giới ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 3.

Chốt phiên giao dịch tuần ngày 8/10, theo dữ liệu ghi nhận của Investing.vn, giá dầu Brent giao tháng 12/2023 có giá 84,43 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2023 ghi nhận ở mức 82,81 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu Brent và WTI đã giảm khoảng 9%.

Một phần nguyên nhân được đưa ra là vào ngày 06/10, Nga tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu diesel được giao đến các cảng biển bằng đường ống, dù vậy, các công ty vẫn phải bán ít nhất 50% lượng dầu diesel cho thị trường nội địa. Điều này đã làm thị trường gia tăng nỗi lo sợ về nhu cầu do các khó khăn về mặt kinh tế vĩ mô, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư bán tháo dầu.

Mặt khác, Bloomberg cho rằng, giá dầu thô giảm mạnh một phần được thúc đẩy bởi sự tăng giá của đồng USD, khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với hầu hết quốc gia nhập khẩu. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng nhanh có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, do tăng chi phí vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể gây tổn hại đến việc tiêu thụ năng lượng.

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty phân tích và dữ liệu OANDA, triển vọng toàn cầu đang nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn và điều đó vừa thúc đẩy giao dịch đồng USD trở lại, vừa gây áp lực lên triển vọng nhu cầu dầu thô, đồng thời cũng đang gây áp lực lên giá dầu thô.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dầu khí là nhóm luôn rất nhạy cảm với giá dầu. Với những tác động tiêu cực của giá dầu trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng cho thấy điều tương tự khi hầu hết các mã chứng khoán đều giảm giá. BSR giảm mạnh tới 8,72%, PVS và OIL đều giảm hơn 4,6%, PLX cũng mất tới 6,67%, GAS cũng không nằm ngoài xu thế và giảm 7,17%... Trong khi đó, PVD không có thay đổi và đứng yên tại mốc 25.800 đồng/CP.

Bên cạnh dầu khí, phân bón cũng là nhóm có tương quan với giá dầu bởi giá khí đầu vào sản xuất phân bón sẽ neo theo giá dầu FO và giá dầu Brent. Tuy nhiên, trái ngược với đà giảm của dầu khí, cổ phiếu phân bón có tuần giao dịch tương đối thành công, trong đó mã DCM tăng 7,48%, DPM tích luỹ thêm 3,12%; LAS cũng tăng 3,91%,….

Dầu khí sẽ được tác động tích cực hơn nhóm phân bón

Theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu Brent trung bình quý IV/2023 dự kiến sẽ duy trì quanh ngưỡng 93 USD/thùng, đưa giá trung bình cả năm 2023 lên mức 84 USD/thùng và 88 USD/thùng cho năm 2024. Mức dự phóng này cũng tương đồng với dự phóng từ 42 nhà kinh tế học và phân tích do Reuters khảo sát hồi tháng 9/2023 với 84 USD/thùng cho năm 2023 và 86,45 USD/ thùng cho năm 2024.

Với triển vọng đó, ACBS dự phóng giá dầu Brent năm 2023 ở mức là 84 USD/thùng và năm 2024 là 87 USD/thùng. Khi giá dầu tăng, ACBS nhận thấy các công ty trong ngành dầu khí nhìn chung đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ khác nhau.

Trong đó, GAS sẽ có mức độ tác động nhanh nhất, bởi giá khí bán ra tăng do công thức tính giá bán ra được neo theo giá dầu FO và dầu Brent. Trong khi đó, giá khí đầu vào một phần sản lượng được thả nổi theo giá dầu FO và 1 phần (chiếm khoảng 60 - 65% tổng sản lượng đầu vào) được tính theo giá cố định + mức tăng 2%/năm.

PLX và BSR có mức độ tác động trung bình, song vẫn hưởng lợi bởi tồn kho giá thấp do BSR và PLX phải duy trì hàng tồn kho ít nhất 20 ngày theo quy định. Giá bán xăng dầu được dựa trên giá bán xăng dầu quốc tế công bố trên tạp chí Platts của Singapore và có mối tương quan thuận chiều chặt chẽ với giá dầu Brent.

PVD và PVS được ACBS đánh giá tác động chậm. Các giàn khoan của PVD thường được ký hợp đồng 6 tháng – 1 năm, giá dầu duy trì ở ngưỡng trong 1 thời gian dài sẽ làm tăng nhu cầu khoan khiến tăng giá giàn khoan. Tương tự, giá dầu duy trì ở ngưỡng cao trong 1 thời gian dài mới thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí, khai thác và mang lại nhiều hợp đồng xây lắp cho PVS cùng nhu cầu các dịch vụ bổ trợ gia tăng.

Tuy nhiên, ACBS vẫn nhấn mạnh nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ thượng nguồn như PVD, PVS sẽ được hưởng lợi nhất nếu giá dầu neo cao một thời gian dài. Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp trung và hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng nhanh chóng từ thay đổi của giá dầu.

Đối với nhóm phân bón, ACBS nhận xét tác động của giá dầu lên hoạt động kinh doanh khá trung lập. Bởi vì trong trường hợp giá dầu tăng, giá khí đầu vào tăng đồng thời sẽ tạo động lực cho giá phân bón tăng. Tuy nhiên, diễn biến của giá phân bón còn phụ thuộc nhiều hơn vào cung/cầu phân bón. Riêng thị trường nội địa, giá phân bón Trung Quốc (phần lớn sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào nên có giá rẻ hơn) là yếu tố cạnh tranh chủ yếu.

Ngoài yếu tố giá dầu, ACBS cho biết một yếu tố khác tác động tới hoạt động kinh doanh của nhóm dầu khí và phân bón là tỷ giá USD/VND đang tăng dần kể từ tháng 8/2023. Đối với hầu hết các doanh nghiệp ngành dầu khí, tỷ giá tăng có tác động tích cực nhẹ tới kết quả kinh doanh, nhờ đa phần có nguồn doanh thu bằng ngoại tệ, nợ vay rất ít, hoặc, chi phí đầu vào và giá bán ra đều được điều chỉnh theo tỷ giá bình quân 10-15 ngày gần nhất.

Đối với nhóm doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thì rủi ro tỷ giá USD/VND là thấp do dư nợ vay thấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng đều có nguồn doanh thu bằng USD từ xuất khẩu giúp bù đắp tác động của chi phí giá khí đầu vào theo USD.

Nhìn chung, dù nhóm cổ phiếu dầu khí có tuần giao dịch ảm đạm, tuy nhiên với triển vọng giá dầu duy trì ở ngưỡng cao cùng với áp lực về tỷ giá tăng trong thời gian tới, ACBS vẫn cho rằng các cổ phiếu ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các cổ phiếu ngành phân bón.

“Tuy nhiên, những ảnh hưởng này mới chỉ đang được nhìn nhận ở góc độ đơn lẻ, trong giả định là các điều kiện kinh doanh khác không đổi. Trên thực tế, đối với ngành phân bón, yếu tố giá phân ure trong nước và xuất khẩu ảnh hưởng lớn nhất tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón”, nhóm phân tích lưu ý.

Tin bài liên quan