Thỏa thuận về chương trình hạt nhân giữa Iran và các cường quốc P5+1 đạt được ngày hôm qua được nhận định là một thỏa thuận mang tính lịch sử và cực kỳ ấn tương. Với thỏa thuận này, các lệnh cấm vận về dầu mỏ và tài chính áp đặt lên Iran sẽ dần được gỡ bỏ. Đồng nghĩa với việc, các siêu tàu chở dầu đầy ắp dầu dự trữ tại các bờ biển Iran có thể sớm được cung cấp ra thị trường.
Trái với các dự đoán trước đó, thỏa thuận hạt nhân của Iran có tác động tới giá dầu thế giới, tuy nhiên, giá dầu không lập tức giảm mạnh, thậm chí tăng nhẹ.
Một giờ sau khi thỏa thuận hạt nhân của Iran được công bố, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn trong phiên giao dịch 14/7 giảm khoảng 2,5%, xuống còn 50,98 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng tăng trở lại. Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 1,1%, giao dịch ở mức 52,2 USD/thùng.
Theo Bloomberg, trong ngắn hạn, giá dầu sẽ giữ xu hướng tăng và có 3 nguyên nhân lý giải cho điều này.
Thứ nhất, giá dầu giảm nhẹ gần đây đã thể hiện mối lo ngại của các nhà đầu tư về việc dầu mỏ của Iran quay trở lại thị trường. Viễn cảnh thị trường dầu mỏ, vốn đang trong tình trạng dư cung, phải đón nhận thêm lượng dầu khổng lồ từ Iran đã sớm được nhận biết. Theo số liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC), các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu cơ đã sớm đánh cược vào việc giá dầu sẽ tiếp tục diễn biến giảm kể từ tháng 4/2015.
Thứ hai, Iran không thể quay trở lại xuất khẩu dầu mỏ trong một sớm một chiều. Các lệnh cấm vận chỉ dần được gỡ bỏ khi các thanh sát viên khẳng định được Iran đã tuân thủ theo các điều kiện đặt ra. Điều này tốn khá nhiều thời gian, bởi vậy, giá dầu sẽ không thể giảm ngay lập tức.
Thứ ba, Iran cần có sự trợ giúp từ các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ trở lại sau một thời gian dài thiếu hụt nguồn vốn và sự đầu tư thích đáng.
Mặc dù, trong ngắn hạn, giá dầu có thể tăng nhưng theo Clearview Energy Partners LLC, hãng tư vấn hàng đầu tại Washington, việc Iran quay trở lại thị trường có thể khiến giá dầu giảm thêm 12 USD/thùng cho tới cuối năm 2016.