Lời đáp trả từ OPEC và Nga
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có “cuộc tấn công” vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh về thỏa thuận kiểm soát sản lượng đầu ra nhằm cứu vớt giá dầu thời gian qua.
Cụ thể, ông Trump đăng trạng thái trên trang mạng xã hội Twitter với nội dung: “Chúng ta đã bảo vệ các quốc gia Trung Đông, họ không thể an toàn lâu nay nếu thiếu nước Mỹ. Nhưng cuối cùng, họ vẫn tiếp tục đẩy giá dầu lên cao hơn nữa và hơn nữa. Chúng ta sẽ ghi nhớ. Chế độ độc quyền của OPEC cần phải khiến giá dầu giảm ngay”.
Động thái này của ông Trump diễn ra khi giá dầu đã liên tục leo dốc trong thời gian qua, một phần nhờ vào việc hạn chế nguồn cung trên thị trường của OPEC.
Đáp lại những chỉ trích này, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê-út Khalid al-Falih cho biết, OPEC sẽ lắng nghe lời kêu gọi gia tăng sản lượng của ông Trump nếu cần thiết.
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản trên thị trường dầu mỏ cho thấy rằng, chưa đến thời điểm để nâng sản lượng. Thông điệp này được công bố sau khi OPEC cùng các đồng minh tham gia cắt giảm sản lượng, trong đó có Nga nhóm họp ngày 23/9.
Trong phiên đầu tuần (24/9), giá dầu thô Brent đã lên mức 81,16 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Theo các chuyên gia, ông Trump nóng lòng muốn OPEC gia tăng sản lượng, đẩy giá dầu đi xuống bởi thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, trong khi chính ông đã đưa giá dầu lên cao hơn bằng cách áp đặt lệnh cấm vận, khiến 1,5 triệu thùng dầu/ngày của Iran không thể cung cấp ra thị trường.
Trong khi đó, OPEC và Nga cảm thấy không cần thiết phải sản xuất thêm nhiều dầu mỏ hơn trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn đang được đáp ứng, nhất là khi giá dầu mới nhích lên mức 80 USD/thùng và cần thêm thời gian để xác định mặt bằng giá mới này.
Giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng
Có nhiều lý do để giới chuyên gia nhận định rằng, giá dầu sẽ giữ xu hướng leo dốc trong thời gian tới và có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng, điều từng xảy ra vào năm 2008, khi giá dầu thô Brent đạt đỉnh ở mức gần 150 USD/thùng.
Trong đó, Bank of America Merrill Lynch dự báo, giá dầu thô Brent mục tiêu cuối quý II/2019 sẽ ở mức 95 USD/thùng với các nguyên nhân cụ thể.
Thứ nhất, bức tranh nguồn cung trở nên đáng ngại hơn, khi sản lượng dầu từ Venezuela và Iran, 2 nguồn cung chính thuộc OPEC bị hạn chế.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng nguồn cung dầu từ Iran sẽ giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, thay vì mức 500.000 thùng/ngày như dự báo được đưa ra trước đó.
Thứ hai, dầu đá phiến tại Mỹ từng được xem là yếu tố có thể đảo ngược vị thế của các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông, nhưng đến nay, tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ đã chậm lại, một phần vì những khó khăn trong khâu vận chuyển.
Bank of America Merrill Lynch dự báo, nguồn cung dầu tại Mỹ đạt 1,4 triệu thùng/ngày năm 2018, nhưng sẽ giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc, dầu thô WTI cũng chịu chung áp lực về nguồn cung như dầu Brent.
Thứ ba, quy định mới sẽ có hiệu lực vào năm 2020 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) sẽ tác động mạnh tới nguồn cung dầu trên thị trường.
Cụ thể, kể từ năm 2020, IMO sẽ cấm các tàu sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5%, so với mức 3,5% hiện tại, trừ khi tàu được trang bị các thiết bị làm sạch khí lưu huỳnh được thải ra, nhằm giảm tác động gây ô nhiễm môi trường.
Theo Morgan Stanley, chỉ riêng yếu tố này đủ sức đẩy giá dầu thô Brent lên đến 90 USD/thùng.
Trong bối cảnh này, Daniel Jaeggi, người sáng lập Mercuria Energy Group Ltd nhận định: “Có nhiều lý do để tin rằng, giá dầu có thể đạt tới ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí có thể đạt được vào cuối năm nay".