Triển vọng giá dầu tiếp tục tăng
Trong những tuần gần đây, khi các hãng dược phẩm lớn liên tục công bố hiệu quả thử nghiệm vắc-xin phòng dịch Covid-19 và chuẩn bị đưa ra thị trường, giới đầu tư tài chính nhanh chóng tìm tới cổ phiếu thuộc những ngành được hưởng lợi từ triển vọng phục hồi kinh tế.
Trong đó, nhóm nguyên liệu cơ bản được cộng hưởng từ yếu tố giá dầu tăng. Chỉ trong 3 ngày từ 29/10 đến 1/12, giá dầu Brent tăng 26,5% lên 47,6 USD/thùng; so với đáy tháng 4/2020, giá dầu cao hơn 147%.
Diễn biến giá hợp đồng tương lai dầu Brent từ tháng 2 đến nay (Đơn vị: USD/thùng). |
Giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu tăng trở lại, trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các thành viên đang trong quá trình đàm phán về kế hoạch hoãn tăng sản lượng trong tháng 1/2021 tới.
Theo Ron Smith, nhà phân tích dầu khí tại BCS Global Markets, giá dầu tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ ngày một gia tăng, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 50 USD/thùng.
Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hoá tại Capital Economics nhận định, giá dầu có thể tiến lên 60 USD/thùng vào cuối năm 2021, khi vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng cộng đồng và kinh tế hồi phục.
Thậm chí, Bank of America cho rằng, giá dầu thô Brent nhiều khả năng đạt 60 USD/thùng ngay trong mùa Hè năm 2021, khi việc nới lỏng các hạn chế đi lại làm thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu hoá thạch.
Vắc-xin Covid-19 được kỳ vọng là cơ sở cho đà hồi phục của kinh tế nói chung và nhu cầu dầu thô nói riêng trong thời gian tới, bởi các biện pháp nới lỏng xã hội sẽ được dỡ bỏ, hoạt động kinh doanh và trao đổi hàng hoá quay trở lại giống như trước khi có dịch.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi giá dầu tăng
Kịch bản giá dầu ổn định hoặc tăng trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp dầu khí, nhưng tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp trước đó hưởng lợi từ xu hướng giá dầu thấp trong giai đoạn đầu năm 2020 như phân bón và nhiệt điện khí.
Theo chuỗi giá trị ngành phân bón, giá khí đầu vào là nguyên liệu chủ yếu để các nhà máy phân bón sản xuất. Chính vì vậy, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này, nhất là khi giá khí đầu vào đã áp dụng theo cơ chế thị trường.
Trên sàn chứng khoán, hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), giá vốn hàng bán năm 2019 lần lượt chiếm chiếm 81,75% doanh thu (chủ yếu là khí đầu vào) và 86,43%.
Từ năm 2014, DPM không còn được hưởng giá mua khí ưu đãi, mà được tính bằng 46% giá dầu FO (dầu mazut) bình quân hàng tháng tại thị trường Singapore và chi phí vận chuyển khí. Còn DCM không được ưu đãi giá khí từ năm 2019, mà theo cơ chế giá thị trường. Do đó, kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu.
Giá khí đầu vào chiếm hơn 75% giá vốn của doanh nghiệp nên trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng giá dầu thấp. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của DPM tăng từ 15,7% lên 23%; tỷ lệ này tại DCM tăng từ 13,3% lên 16,5%. Trong khi đó, doanh thu của DPM và DPM tăng 8% và 7,3%, nhưng lợi nhuận gộp tăng 58,9% và 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp đầu ngành phân bón là DPM và DCM phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu.
Với Công ty cổ phần Phân bón Bình Ðiền (BFC), giá nguyên liệu chiếm hơn 80% doanh thu, với đầu vào là các loại phân đơn như Ure, SA, DAP, Kali và một số chất phụ gia khác, trong đó 90% mua trong nước và nhập khẩu 10%.
Công ty chủ yếu sản xuất phân tổng hợp, có nguồn nguyên liệu từ các loại phân đơn nên mức độ hưởng lợi từ giá dầu giảm không lớn.
Giá nguyên liệu đầu vào giảm giúp BFC giảm giá vốn, nhưng việc hưởng lợi gián tiếp thường có độ trễ và phụ thuộc vào chính sách của nhà cung cấp hơn là các doanh nghiệp có nguyên liệu khí đầu vào trực tiếp như DCM, DPM.
Ngược lại, các doanh nghiệp dầu khí là nhóm được hưởng lợi từ xu hướng giá dầu tăng, tuy nhiên, cơ hội không đồng đều, tùy thuộc doanh nghiệp hoạt động ở phân khúc nào: thăm dò, khai thác hay vận chuyển, lưu trữ, phân phối…
Trong các doanh nghiệp dầu khí trên sàn chứng khoán, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) chuyên khai thác, vận chuyển khí và chiếm thị phần độc quyền mảng khai thác khí thiên nhiên.
GAS nhờ vị thế độc quyền phân phối khí cũng như nắm quyền chi phối vận chuyển khí tới các nhà máy nhiệt điện khí, phân bón nên khá tự chủ trong hoạt động. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang áp dụng cơ chế giá thị trường nên khi giá dầu tăng là cơ sở đến tính lại giá bán khí tăng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) cung cấp dịch vụ cho thuê giàn khoan; Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cung cấp dịch vụ vận hành, bảo dưỡng, lắp đặt, bảo dưỡng công trình ngầm.
Khả năng hưởng lợi của PVD và PVS khi giá dầu tăng thường có độ trễ do hợp đồng ký với khách hàng chủ yếu là dài hạn nên trong ngắn hạn khó thay đổi, nhưng trong trung và dài hạn có cơ hội hưởng phí dịch vụ cao hơn.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL) được đánh giá là hưởng lợi nhanh nhất với biến động tăng của giá dầu nhờ cơ chế giá thị trường.
Do cú sốc giá dầu lao dốc đầu năm, tính tới 31/3/2020, PLX trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.658,9 tỷ đồng, nhưng nhờ đà hồi phục của giá dầu, tính tới 30/9/2020, con số này giảm còn 92,1 tỷ đồng. Tương tự, tại OIL, dự phòng giảm giá tồn kho tính đến 31/3/2020 là 433,8 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/9/2020 giảm còn 39,8 tỷ đồng.
Như vậy, với việc giá dầu tăng, nhóm bán lẻ xăng dầu sẽ được hưởng lợi, nhất là khi có lượng tồn kho lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ có triển vọng gia tăng.
Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí trong 1 tháng trở lại đây có diễn biến tăng như PVD tăng 23,3%, PVS tăng 20,6%, GAS tăng 19,8%, PLX tăng 4,7%, nhưng đà tăng của nhóm cổ phiếu phân bón như DPM, DCM có dấu hiệu chững lại, thậm chí điều chỉnh giảm.