Giá dầu báo đà tăng, cổ phiếu dầu khí chiếm trọn “spotlight”

Giá dầu báo đà tăng, cổ phiếu dầu khí chiếm trọn “spotlight”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng đáng mong chờ nhất của ngành dầu khí đến từ siêu dự án Lô B - Ô Môn, nhưng có khả năng chậm tiến độ khi thời hạn của FID đang cận kề. Tuy nhiên, cổ phiếu dầu khí vẫn hấp dẫn do được hưởng lợi từ giá dầu tăng. 

Cổ phiếu dầu khí chiếm trọn “spotlight”

Dầu khí là một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch nổi bật kể từ đầu tháng 5 đến nay. Trong phiên sáng ngày 27/6, nhóm dầu khí tiếp tục mở đầu rực rỡ với sắc tím, xanh chiếm trọn ưu thế.

Tạm chốt phiên giao dịch sáng, cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí tăng kịch trần 6,79%, với khối lượng dư mua trần đạt hơn 2,23 triệu đơn vị và thanh khoản cũng đột biến tới gần 5,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác như PVC (Tổng Công ty Hoá chất và Dịch vụ dầu khí) tăng 3,3%; OIL của Tổng Công ty dầu Việt Nam tăng 2,2%. Không thể thiếu cặp đôi PVD (Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí) và PVS (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) cũng lần lượt tăng thêm 1,6% và 1,2%...

Một mã đáng chú ý khác là PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, dù không giữ được sắc tím nhưng cũng tăng ấn tượng 5,8% và tính chung từ đầu tháng 5 đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng gần 60%.

Hôm nay (ngày 27/6), Dầu khí Nam Sông Hậu tổ chức ĐHĐCĐ với nhiều thông tin tích cực. Năm 2023, PSH hướng đến mục tiêu doanh thu đạt hơn 10.964 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 49% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận kỳ vọng đạt 356,3 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 236,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng có đường hướng phát triển đạt đến 500 cửa hàng xăng dầu và đủ nhà máy sản xuất 500.000 tấn/năm để đáp ứng tiêu thụ thị trường.

Một trong những nhân tố chính giúp nhóm cổ phiếu dầu khí chiếm trọn “spotlight” trong giao dịch sáng ngày 27/6 chính là diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới tiếp đà đi lên. Cụ thể, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,02 USD, lên mức 69,46 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 0,34 USD, lên mức 74,09 USD/thùng.

Đà tăng giá dầu được các nhà phân tích lý giải lo ngại tâm lý lo ngại về tình hình chính trị ở Nga sẽ tác động đến nguồn cung dầu mỏ. Mặc dù cuộc đụng độ giữa Moscow và nhóm lính đánh thuê Wagner đã được ngăn chặn nhưng vụ việc này đặt ra những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu của Nga.

Các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, tình hình chính trị ở Nga có thể tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cảnh báo, sự bất ổn chính trị của Nga có thể làm trầm trọng hơn việc thiếu nguồn cung trong những tháng tới. Trước đó, Saudi Arabia cũng cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, nguy cơ sản lượng của Mỹ giảm, và sắp kết thúc việc giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.

Động lực từ siêu dự án chậm "deadline"

Trong nước, kỳ vọng đáng mong chờ nhất của ngành dầu khí đến từ siêu dự án Lô B - Ô Môn, nhưng có khả năng chậm tiến độ. Theo kế hoạch, thời hạn đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) là vào tháng 6/2023, song đến thời điểm hiện tại, FID vẫn chưa có thêm thông tin mới.

Lô B – Ô Môn là đại dự án kết hợp các mỏ khí thượng nguồn, đường ống vận chuyển trung nguồn và các nhà máy điện hạ nguồn, do đó phải có hợp đồng quy định việc mua, vận chuyển và bán khí, cũng như hợp đồng bán điện cho lưới điện (GSPA, GTA, GSA). Để FID được phê duyệt, tất cả các thành phần này cần được các bên liên quan thực hiện đồng thời.

Theo SSI Research, hiện tại, do tiến độ của dự án chậm vài năm nên hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) đã ký trước đó có khả năng sẽ hết hạn trước vòng đời dự án (23 năm). Do đó, việc gia hạn thời hạn hợp đồng đến năm 2049 (23 năm kể từ năm 2026 cho dòng khí đầu tiên) cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các bên tham gia dự án cam kết về việc cung cấp khí cho vòng đời dự án. Điều quan trọng là phải đảm bảo tính khả thi về tài chính cho tất cả các hợp phần của dự án, do đó sẽ phải được thực hiện trước khi có FID.

Trong khi đó, giá bán khí tại miệng giếng và giá vận chuyển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thống nhất giữa các bên, nhưng sản lượng khí và điện mua của nhà máy điện Ô Môn và EVN chưa được thống nhất (thông qua GSA với PVN).

Để EVN thống nhất được lượng khí và điện mua hàng năm cho đến khi kết thúc dự án, Chính phủ cần phê duyệt cơ chế đặc thù để EVN bán điện cho lưới điện mà không cần quá quan tâm đến lợi nhuận. Vì giá điện cuối cùng từ các nhà máy điện Lô B - Ô Môn sẽ cao hơn đáng kể so với các nguồn khác và có thể không được sử dụng hết trong khung pháp lý hiện hành. Mới đây, Bộ Công Thương đã cho phép tất cả các nhà máy điện Ô Môn được gián tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh (CGM) theo Thông tư 45/2018/Bộ Công Thương.

Thêm vào đó, chủ đầu tư Ô Môn II là Marubeni/WTO đã công bố GSA cho nhà máy Ô Môn II sẽ chỉ được ký kết vào thời điểm họ có thể đảm bảo kế hoạch tài chính cho dự án. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ FID, vì GSA với các nhà máy điện là điều rất quan trọng để Lô B đảm bảo nguồn vốn.

Đặc biệt, đối với vấn đề vốn nhà máy điện Ô Môn III và IV, để đẩy nhanh tiến độ quyết định đầu tư nhà máy điện Ô Môn III và đảm bảo FID chung cho toàn dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức một cuộc họp vào cuối tháng 5 và đi đến quyết định phương án chuyển giao dự án Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN về PVN (làm chủ đầu tư).

Với nguồn tài chính mạnh, PVN có thể có vị thế tốt hơn để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà máy điện này. Giải pháp này sẽ cần được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, PVN cũng có thể cần thêm thời gian để hoàn tất quá trình đầu tư cho những dự án lớn như vậy.

Từ những thông tin tìm hiểu, SSI đánh giá tất cả các bên vẫn còn rất vấn đề cần giải quyết và đạt được FID kịp thời. Do đó, nhóm phân tích duy trì giả định cơ sở hiện tại rằng FID cho Lô B sẽ chỉ được phê duyệt vào nửa cuối năm 2023, muộn hơn vài tháng so với thời hạn hiện tại (tháng 6/2023).

Tuy nhiên, sau khi đại dự án chính thức triển khai, SSI đánh giá nhóm cổ phiếu dưới đây sẽ thực sự được hưởng lợi:

Tin bài liên quan