Bản quy hoạch TP. Thủ Đức cần được lồng vào một bản quy hoạch “mềm”. Ảnh: Lê Toàn

Bản quy hoạch TP. Thủ Đức cần được lồng vào một bản quy hoạch “mềm”. Ảnh: Lê Toàn

Giá đất TP. Thủ Đức nhảy múa, doanh nghiệp địa ốc kêu khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi đặt vấn đề “TP. Thủ Đức đã thực sự mang lại cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp?”, câu trả lời nhận được từ nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM là “chưa”, lý do bởi thiếu cơ chế, chính sách đặc thù.

“Bình mới, rượu vẫn cũ”

Đó là ví von của một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP.HCM khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về những vấn đề của TP. Thủ Đức sau hơn 2 tháng chính thức thành lập (từ 23/1/2021).

“TP. Thủ Đức hiện chỉ là một ‘siêu quận’, chưa có cơ chế đột phá. Cơ sở hạ tầng cũng chưa có gì thay đổi, nhưng giá đất đã tăng lên rất cao”, vị này nói và không quên nhấn mạnh, “chỉ vì mang tiếng là thành phố mà giá đất tăng chóng mặt, làm mất cơ hội của nhà đầu tư. Với những dự án còn dang dở, không doanh nghiệp nào có thể thỏa thuận được khâu đền bù giải phóng mặt bằng khi giá đất nhảy múa như vậy”.

“Rõ ràng việc này đã làm khổ doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo được cơ chế đồng bộ giữa việc tạo nguồn lực cho thành phố, cho địa phương song song với công tác công bố thông tin. Vậy nhưng, thông tin cứ chạy trước, rồi giá đất, thuế phí tăng ‘tiếp sức’ theo..., trong khi các điều kiện hạ tầng không kịp thay đổi. Thực sự chúng tôi không biết sự biến chuyển sau khi TP. Thủ Đức được thành lập là gì?”, vị này than thở.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cũng cho hay, cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đều không chạy theo được thông tin của thị trường, dẫn tới các yếu tố đầu vào như giá đất bị đẩy lên cao, thủ tục hành chính bị ngưng trệ, “đó là một cái khó, một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào TP. Thủ Đức”.

TP. Thủ Đức phải có cơ chế, chính sách đặc thù thì mới có thể tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư. Việc đi đúng hướng sẽ giúp tất cả các lĩnh vực được hưởng lợi, ngược lại sẽ để lại nhiều hệ lụy và bất động sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Cũng vì chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên chính quyền thành phố mới vẫn còn lúng túng, các vấn đề liên quan đến ba quận cũ thì bị đình lại…, gây lãng phí về mặt nguồn lực xã hội, tạo sự ức chế cho người dân, doanh nghiệp”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Theo các doanh nghiệp, TP. Thủ Đức phải có cơ chế, chính sách đặc thù thì mới có thể tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư. Việc đi đúng hướng sẽ giúp tất cả các lĩnh vực được hưởng lợi và giá trị thực của bất động sản khu vực này được nâng lên, ngược lại sẽ để lại nhiều hệ lụy và bất động sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thực tế cho thấy, có nhiều đô thị, thành phố mới được thành lập cách đây hàng chục năm, từng tạo nên nhiều cơn sốt đất, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể thành hình. Đó là chưa kể, những thông tin quy hoạch nếu không được quản lý một cách bài bản, minh bạch thì sẽ dễ bị các nhóm lợi ích, đầu cơ lợi dụng để tạo sóng giá nhà đất “ảo”, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia quy hoạch đề án Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) cho rằng, nếu xem TP. Thủ Đức vẫn như một quận, tức là quyền hạn của TP. Thủ Đức chỉ ngang cấp quận của TP.HCM thì sẽ không tương xứng với trách nhiệm, quy mô thực tế, dẫn tới việc làm gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, như vậy sẽ không đủ “tầm” để làm “Thành phố phía Đông”.

Ông Sơn cho biết, ở Phố Đông, nếu cá nhân xin mở một công ty hay cấp phép xây một cao ốc, chính quyền có thể làm gấp trong một tuần với một cơ chế linh hoạt, cởi mở. Tương tự, TP. Thủ Đức cũng cần một cơ chế khác biệt ngay từ đầu để có thể đảm bảo cho thành công sau này.

“Ngoài ra, tất cả những vấn đề của đô thị hiện hữu phải được đặt cùng với các dự án phát triển đô thị mới nhằm tránh sự xung đột. Theo đó, bản quy hoạch TP. Thủ Đức cần được lồng vào một bản quy hoạch ‘mềm’ là bản quy hoạch cân bằng lợi ích giữa chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, trong đó chất lượng sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu”, ông Sơn nêu quan điểm.

TP.HCM sẽ ủy quyền tối đa?

Thực ra, câu chuyện cần có cơ chế mới cho TP. Thủ Đức để giải phóng sức sản xuất, cơ chế và điều kiện đầu tư, những chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, đầu tư, kinh doanh vào TP. Thủ Đức không chỉ là mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp, mà còn là nỗi lòng của chính lãnh đạo thành phố này.

Trong một cuộc họp về duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của UBND TP. Thủ Đức vào cuối tháng 3/2021, Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ quan điểm rằng: “TP. Thủ Đức chưa xác định cơ chế đặc thù, bởi nếu đặc thù thì rất khó xin. Ở đây, Thành phố xin chính sách phù hợp với cơ chế mới, nếu không có cơ chế phù hợp thì sẽ ách tắc”.

Còn ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, thành phố mới đang được giao thực hiện một số dự án từ nguồn ngân sách Trung ương và TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng là thách thức rất lớn.

“Giống như 3 quận trước đây, nhiều dự án trên địa bàn Thành phố hiện tại chưa thể giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, dẫn đến việc hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa có nhiều biến chuyển”, ông Tùng nói.

Liên quan đến công tác đối ngoại, ông Tùng cho biết, việc tiếp đón các đoàn ngoại giao cũng là một trở ngại, bởi TP. Thủ Đức cần xin ý kiến từ lãnh đạo UBND TP.HCM trước khi thực hiện, cho nên cần rút ngắn công đoạn này để giảm thiểu thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hành chính mới được tiếp cận các nguồn đầu tư nước ngoài.

“TP. Thủ Đức có hơn 1,2 triệu dân, nhưng chỉ tương đương đơn vị hành chính cấp huyện. Quy mô dân số đông, trong khi quyền hạn hạn chế khiến Thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác hành chính ”, ông Tùng nêu thực trạng và kiến nghị, trước khi hình thành các cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, cần gỡ vướng các vấn đề liên quan đến chính sách, các sở, ngành cần ưu tiên về mặt thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho đơn vị hành chính này.

Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu TP. Thủ Đức khẩn trương xây dựng đề án để cuối tháng 7/2021 đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội khóa mới. Trong khi chờ đợi cơ chế đặc thù, lãnh đạo TP.HCM giao Sở Nội vụ, Sở Tư pháp cùng UBND TP. Thủ Đức hệ thống hóa lại tất cả các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM có thể ủy quyền cho TP. Thủ Đức ở mức tối đa.

“Việc ủy quyền tối đa kỳ vọng sẽ giúp TP. Thủ Đức xử lý các vấn đề nhanh nhạy hơn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến người dân và doanh nghiệp”, ông Phong nói.

Tin bài liên quan