Theo cáo trạng, Minh không có nghề nghiệp. Năm 2014, bị cáo quen biết và quan hệ thân thiết với Trịnh Thị Nga (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cuối tháng 7/2016, anh Cao Đình T. bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ về hành vi đánh bạc. Thông qua các mối quan hệ xã hội, vợ T. đã gặp và nhờ Minh tìm cách cho anh T. được tại ngoại bởi trong những lần gặp gỡ, Minh đều giới thiệu là nhà báo đã nghỉ hưu, có mối quan hệ xã hội và quen biết nhiều lãnh đạo trong ngành công an, hứa hẹn sẽ giúp anh T. được tại ngoại trong thời gian sớm nhất. Minh còn hứa khi vụ án được đưa ra xét xử, anh T. sẽ được hưởng án treo. Minh đưa ra chi phí 600 triệu đồng để “chạy tại ngoại”.
Gia đình anh T. đồng ý và chuyển số tiền trên vào tài khoản của Minh.
Sau khi nhận tiền, Minh gặp chị Nga để nhờ tìm người lo liệu. Nga nhận lời và yêu cầu chuyển trước 300 triệu đồng. Minh đã chuyển khoản số tiền trên cho Nga.
Ngày 1/8/2016, anh T. nhận được giấy triệu tập của công an tỉnh. Vì lo sợ bị ảnh hưởng nên gia đình anh T. đã liên lạc với Minh để nhờ giúp. Minh yêu cầu gia đình anh T. chuyển thêm 150 triệu đồng để lo việc. Thời điểm này, em gái T. cũng bị bắt giữ về hành vi đánh bạc. Minh cũng đồng ý nhận giúp với chi phí 200 triệu đồng. Sau đó, Minh tiếp tục đòi hỏi thêm số tiền 300 triệu đồng để lo giúp cả 2 anh em được tại ngoại sớm nhất. Khi giao nhận số tiền trên, các bên không viết giấy giao nhận nhưng có người chứng kiến.
Tổng số tiền Minh nhận từ gia đình anh T. là 1,25 tỷ đồng. Bị cáo chuyển cho Nga 495 triệu đồng. Do Nga không có khả năng giúp đỡ nên đã chuyển lại số tiền này. Nhưng khi nhận lại tiền Minh không trả lại cho bị hại mà chiếm đoạt cá nhân.
Năm 2017, khi vụ án đánh bạc được đưa ra xét xử thì tòa án xử phạt hai anh em T. án treo. Khi đó, gia đình anh T. phát hiện Minh gian dối để lừa đảo nên đòi lại tiền nhưng bất thành.
Tại tòa, do một số khoản tiền chưa được làm sáng rõ nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.