Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tệ hơn, trong cùng ngành nghề, lại được nhà đầu tư quan tâm, giá cổ phiếu cứ tăng vù vù.
Sự bức xúc càng lớn hơn khi thị trường vào giai đoạn tăng trưởng, nhìn ra xung quanh, cổ đông của nhiều doanh nghiệp rủng rỉnh, còn tài khoản của mình vẫn cái “máng lợn” xưa, thậm chí còn “sứt mẻ” hơn trước.
Lãnh đạo chưa "tròn vai"
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói rằng, nếu sau vài năm niêm yết mà không thấy có sự thay đổi trong quy mô cổ đông thì có thể coi đó là doanh nghiệp thất bại. Doanh nghiệp có quy mô cổ đông rộng, luôn luôn có sự mới mẻ về cổ đông, cổ phiếu được quan tâm, ở góc độ nào đó đã thành công. Những doanh nghiệp như vậy khi cần huy động vốn, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phần.
Sân chơi chứng khoán giờ đã khác trước rất nhiều, trên toàn thị trường có hàng nghìn mã cổ phiếu (tính trên cả hai sàn niêm yết chính thức và sàn UPCoM), vì vậy, không phải mã chứng khoán nào cũng được giới đầu tư săn đón, quan tâm. Tình trạng chìm nghỉm và thua thiệt dễ đến với những cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp không có tư duy thay đổi và thích ứng.
Trong chiến lược phát triển tới năm 2020 mới được công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, bên cạnh chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, Công ty cổ phần Traphaco (TRA) đặt ra mục tiêu khá “lạ” trong vòng 3 năm tới: giá trị vốn hóa đạt 10.000 tỷ đồng.
Hiện tại, cổ phiếu TRA đang được giao dịch ở mức 125.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng. Mục tiêu nâng giá trị vốn hóa lên gấp 2,5 lần có phải là áp lực? Tất nhiên, cùng với mục tiêu gia tăng giá trị vốn hóa, TRA cũng đặt ra các mục tiêu tham vọng về doanh thu, lợi nhuận (doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng).
Tổng giám đốc Traphaco, ông Trần Túc Mã rất chú trọng yếu tố giá trị cổ phiếu gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ông chia sẻ rằng, nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm đến yếu tố này, cổ đông, nhất là các cổ đông lớn sẽ gây áp lực, chất vấn, yêu cầu giải trình.
Thậm chí, họ không ủng hộ lãnh đạo Công ty trong triển khai các dự án quan trọng. Nếu như người lao động trong doanh nghiệp đòi hỏi lương thưởng, môi trường làm việc tốt, thì cổ đông lại đòi hỏi cổ tức và giá trị cổ phiếu cao trên thị trường. Không đảm bảo được những yêu cầu này, người lãnh đạo doanh nghiệp chưa làm “tròn vai”.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ chỉ quan tâm và có trách nhiệm với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, còn giá cổ phiếu là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay, cổ đông đã chủ động hoặc liên kết lại để yêu cầu "ra quân luật" công khai gắn việc chi trả thù lao hội đồng quản trị, lương thưởng lãnh đạo doanh nghiệp với giá cổ phiếu.
Mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay, thù lao hội đồng quản trị là một nội dung xảy ra tranh luận nảy lửa ở nhiều công ty; trong đó, có nhiều chất vấn gay gắt về trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban điều hành về việc để giá cổ phiếu giảm thấp hoặc không tăng trưởng.
Trước Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch của một loạt công ty niêm yết chia sẻ ông không mấy vui dù kết quả kinh doanh của công ty ông rất tốt. Nguyên do là giá cổ phiếu vẫn cứ lẹt đẹt khiến cổ đông lớn gọi điện, gửi thư phàn nàn tơi tới. Vị chủ tịch do đó thấy rất nặng nề và áp lực.
Tất nhiên, để cổ phiếu gia tăng giá trị, được đánh giá đúng với giá trị thực sự của nó, có nhiều cách làm mà dân đầu tư trên thị trường vẫn hay ví von là “Đông Tây y kết hợp”, trong đó có truyền thông cho nhà đầu tư, cho thị trường nắm rõ về doanh nghiệp của mình, cổ phiếu của mình.
Chẳng phải thừa hơi mà hàng năm, lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM), Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC)… tham gia các hội nghị đầu tư, gặp gỡ các quỹ đầu tư trên thế giới để giới thiệu về mình.
Cũng khó có thể đạt được thành tích ấn tượng như Tổng công ty Viglacera thu hút tới hơn 1.000 nhà đầu tư, trong đó có cả trăm tổ chức tham gia đấu giá cổ phần và bỏ giá rất cao hồi cuối tháng 5/2017, nếu lãnh đạo tổng công ty này không chịu khó đi “roadshow” trong và ngoài nước.
Gắn giá cổ phiếu với lương thưởng
Ở các doanh nghiệp có vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như Vinamilk, Traphaco, CTCP Dược Hậu Giang, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare)…, giá cổ phiếu được gắn với lá phiếu biểu quyết về thù lao lương thưởng của hội đồng quản trị, ban điều hành.
Cụ thể, SCIC hướng dẫn người đại diện vốn biểu quyết không tán thành kế hoạch trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát trong các trường hợp: công ty kinh doanh bị thua lỗ; hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, hoặc giá cổ phiếu của công ty bị giảm nhiều năm liên tục; giá cổ phiếu đang giảm mạnh hoặc hiệu quả kinh doanh đang bị xấu đi; ban lãnh đạo đi ngược với lợi ích cổ đông hoặc tỷ lệ gia tăng thù lao lớn so với giá trị gia tăng mang lại cho công ty; công ty gây ra những tác động xấu cho xã hội.
Ngoài ra, người đại diện vốn nhà nước cũng cần biểu quyết không tán thành khi việc chi trả thù lao và thưởng dựa trên kết quả kinh doanh năm được thực hiện trước khi kết thúc năm tài chính.
Căn cứ hướng biểu quyết trên là ban điều hành của công ty có trách nhiệm nâng cao giá trị của công ty thông qua tăng lợi nhuận và giá trị cổ đông.
Đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức thù lao của hội đồng quản trị, nhưng nếu hiệu suất của công ty không đạt trong nhiều năm, hoặc nếu ban điều hành đi ngược lại lợi ích của cổ đông thì bất kỳ kế hoạch thù lao và tiền thưởng dựa trên hiệu suất cho các thành viên hội đồng quản trị đều không được chấp nhận.
Thù lao, bao gồm thưởng và phân bổ cổ tức, sẽ được thanh toán dựa trên kết quả tài chính thực hiện của năm và kết quả giữa kỳ sau khi quyết toán kết quả tài chính năm được thông qua.
Việc trả thù lao và tiền thưởng cho các thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát dựa trên hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ không được thực hiện trước khi báo cáo tài chính năm đó được thông qua.
Rõ ràng, không mang tính quyết định, nhưng giá trị cổ phiếu trên thị trường luôn là một thước đo thành công của doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà bỏ tiền vào những doanh nghiệp không có sự chuyển động tích cực nào trong suốt những năm lên sàn.