Trên thị trường Mỹ, kết thúc phiên giao dịch thứ Năm, chỉ số NASDAQ tăng 1,51% so với tuần trước nhờ cổ phiếu công nghệ (XLK) phục hồi (tăng 1,48%). Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và công nghiệp Dow Jones gần như đứng yên do các nhóm cổ phiếu kém đồng thuận.
Giá chứng chỉ quỹ SPDR đầu tư lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (XLV) tăng mạnh 4,17%, trong khi các lĩnh vực xây dựng nhà ở (XHB), bất động sản (XLRE), tài chính - ngân hàng (XLF, KBE), công nghiệp (XLI), vật liệu cơ bản (XLB), năng lượng (XLE), hàng tiêu dùng thiết yếu (XLP), bán lẻ (XRT) và tiêu dùng lâu bền (XLY) đều giảm giá.
Tính từ đầu năm, chỉ có cổ phiếu công nghệ (XLK) và dịch vụ (XLU) có lợi suất đầu tư tốt hơn mức trung bình thị trường. Đây là một tín hiệu quan trọng cho thấy hầu hết các nhóm ngành trên thị trường Mỹ đang bước vào chu kỳ điều chỉnh.
Ở khu vực châu Âu (EU), thị trường Đức giữ được tâm lý ổn định nhất trong khi phần lớn các thị trường đều mất điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,57%, trong khi chỉ số EURO STOXX 50 đại diện cho khu vực EU giữ nguyên mức đóng cửa tuần trước nữa.
Các thị trường trong nhóm mới nổi cũng có một tuần đi ngang. Giá chứng chỉ quỹ ISHARES MSCI đầu tư vào các thị trường mới nổi (EEM) đã có tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp, nhưng mức sụt giảm chỉ xoay quanh 2%. Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil và khu vực Đông Nam Á tuy diễn biến trái chiều, nhưng xu hướng tăng vẫn duy trì.
Sau quyết định đưa 222 cổ phiếu hạng A của Trung Quốc vào danh mục tiêu chuẩn dành cho các thị trường mới nổi của MSCI, chứng khoán Trung Quốc phản ứng khá thận trọng. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,22% so với giá đóng cửa tuần trước.
Thị trường hàng hóa tuần này tiếp tục ghi nhận sự đi xuống mạnh của mặt hàng dầu thô. Giá hợp đồng tương lai dầu Brent mất 4%. Tính từ đầu tháng, giá dầu đã đi xuống 12%. Các chuyên gia phân tích đều nhìn nhận dầu thô đã rơi vào “bear market”, với cách mất giá không phanh này.
Ở bức tranh lớn hơn, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ tăng lên của các đầu tàu kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản này có thể sẽ chỉ đủ hỗ trợ giá dầu ở mức đủ thấp. Tin tốt là giá nguyên liệu thấp cũng thúc đẩy nhiều nhóm ngành và kích thích nhu cầu tiêu dùng, đồng thời không gây sức ép lên giá cả và lãi suất.
Chỉ số chứng khoán trong nước tuần qua tiếp tục bứt phá lên mức cao mới 770 điểm, nhờ cổ phiếu đường (tăng 25,64%), thép (tăng 21,8%), dược phẩm (tăng 17,14%), xây dựng và xây lắp (tăng 10,36%), xi măng (tăng 8,82%), cảng biển (tăng 7,87%), cao su săm lốp (tăng 7,66%), vận tải (tăng 6,62%), dệt may (tăng 6,24%), thủy sản (tăng 5,73%) và chứng khoán (tăng 5,46%). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu lĩnh vực dầu khí giảm 1,69%, điện giảm 2,15%...
Cổ phiếu ngân hàng tạm thời điều chỉnh sau khi Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu được thông qua. Nhiều khả năng đây là phản ứng tâm lý theo cách nghĩ “tin ra là bán”.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lợi nhuận mới là yếu tố định hướng cho giá cổ phiếu. Nếu Nghị quyết mở ra lối đi cho xử lý nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của khối ngân hàng sẽ sớm bộc lộ theo hướng tích cực và giá cổ phiếu sẽ giữ xu hướng tăng.