Đó là ý kiến của ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Invesment & Securities (Hàn Quốc) khi trao đổi với ĐTCK.
Theo ông, xu hướng lãi suất đang giảm tác động như thế nào đến TTCK?
Lãi suất là một trong những biến số hết sức quan trọng trên đường đi của chứng khoán. Lãi suất tại Việt Nam đang giảm dần xuống mức hợp lý nhờ lạm phát được kiềm chế và tăng trưởng tín dụng thấp, không những làm giảm chi phí vốn cho nền kinh tế nói chung và các DN niêm yết nói riêng, mà còn làm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN. Điều này là cơ sở để khơi thông dòng chảy tín dụng, giúp các DN giải quyết bài toán về vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi hiệu quả kinh doanh của DN cải thiện, sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Mặt khác, khi lãi suất giảm sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn tương đối của các công cụ đầu tư như gửi tiết kiệm - vốn khá nóng tại Việt Nam trong thời gian qua, so với các các kênh đầu tư thay thế khác như chứng khoán, bất động sản. Khi đó, một dòng vốn nhàn rỗi sẽ chuyển sang các tài sản rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Do đó, lãi suất tại Việt Nam đang giảm là tín hiệu cho thấy môi trường vĩ mô ổn định hơn, hỗ trợ TTCK tăng trưởng.
Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đang từng bước được xử lý, nhất là khi Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời, giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu nhanh hơn. Theo ông, điều đó có tác động nhiều đến TTCK?
Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của Chính phủ thời gian gần đây nhằm thúc đẩy, củng cố niềm tin thị trường về quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu một cách triệt để đang gặp nhiều khó khăn, kể cả khi VAMC ra đời. Điều này khiến nhiều người có cảm giác rằng, sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi nền kinh tế trở nên sáng sủa hơn. Quá trình tái cơ cấu sẽ mang lại hiệu quả tích cực giúp thanh khoản thị trường và tín dụng tăng lên, nhưng điều này chỉ bắt đầu được phản ánh một cách chậm rãi vào TTCK từ nay đến cuối năm.
Lãi suất giảm, song tín dụng vẫn khó tăng, nhiều DN có kết quả kinh doanh sụt giảm. Các DN cần phải làm gì, theo ông?
Để tồn tại và tiếp tục phát triển được trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các DN cần nâng cao chất lượng hoạt động, tinh gọn bộ máy quản lý nhằm cải thiện kết quả kinh doanh. Các DN có thể mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh nhằm tăng doanh thu, qua đó tăng lợi nhuận. Trường hợp này thường xảy ra trong điều kiện tăng trưởng kinh tế vẫn ở chiều hướng tốt. Cách thứ hai là cải thiện lợi nhuận nhờ các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí hoạt động sản xuất. Điều này đã được các DN áp dụng triệt để trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại.
Tôi nhận thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, lợi nhuận của một số DN lớn, có đòn bẩy tài chính cao như CSM, DRC, HPG… đã được cải thiện đáng kể, mặc dù tăng trưởng doanh thu ở mức thấp, thậm chí suy giảm. Đây hoàn toàn là nhờ vào các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động để cải thiện kết quả kinh doanh. Đây cũng là các ví dụ điển hình về mô hình hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khó khăn mà DN cần thực hiện để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam? Đầu tư cổ phiếu ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu liệu có rủi ro khi làn sóng M&A gia tăng?
Trên quan điểm trung và dài hạn, tôi cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách triệt để có thể gặp nhiều khó khăn do các bước chuẩn bị để đưa VAMC vào hoạt động (tiêu chuẩn đánh giá, tỷ lệ thua lỗ, phương án bán tài sản nợ xấu…) chưa đầy đủ và chưa thấy được kết quả của các hoạt động cụ thể. Điều này có thể làm cho quá trình tái cơ cấu một cách triệt để sẽ tốn thêm nhiều thời gian so với dự kiến. Chuyển biến của cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả xử lý nợ xấu, đây là tiến trình dài hạn, không thể xử lý trong vài tháng hoặc 1năm. Vì thế, chúng tôi nhận thấy rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2013 là không thích hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, mà đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn.