Giá chứng chỉ quỹ cũng biến động mạnh sau tin áp thuế

Giá chứng chỉ quỹ cũng biến động mạnh sau tin áp thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hòa cùng với sắc xanh lơ của cổ phiếu trên thị trường, giá chứng chỉ quỹ cũng chịu chung sắc đỏ, trong đó, các quỹ từng tăng trưởng mạnh nhất hiện nằm trong nhóm giảm giá nhiều nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên giao dịch “lịch sử” khi VN-Index lao dốc không phanh với mức giảm 88 điểm, tương đương giảm 6,68%, đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4 tại mức 1.229,84 điểm. Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại liên quan tới động thái áp thuế của Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump với thị trường Việt Nam.

Hòa cùng với sắc xanh lơ của cổ phiếu trên thị trường, giá chứng chỉ quỹ cũng chịu chung sắc đỏ, trong đó, các chứng chỉ quỹ từng tăng trưởng mạnh nhất hiện nằm trong nhóm giảm giá nhiều nhất.

Rủi ro thị trường là điều không thể tránh khỏi khi đầu tư chứng chỉ quỹ, vì giá của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào giá thị trường của các tài sản mà quỹ đầu tư mua vào và giá trị này có thể giảm mạnh khi thị trường diễn biến tiêu cực.

Theo đó, khi giá cổ phiếu đi xuống, giá chứng chỉ quỹ của các quỹ mở đầu tư cổ phiếu cũng xuống dốc. Trong đó, nhiều quỹ mở thuộc Công ty Quản lý quỹ Vina Capital chứng kiến giá chứng chỉ quỹ giảm mạnh.

Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Vina Capital (VESAF) với danh mục đầu tư lớn gồm các cổ phiếu ACB, BVH, FPT, GMD… khó tránh khỏi sự suy giảm khi các cổ phiếu lần lượt nằm sàn. Trong phiên giao dịch ngày 3/4, cổ phiếu FPT giảm sàn, đóng phiên ở 113.500 đồng/cổ phiếu, giảm 10,06% trong 1 tuần qua và đã giảm 28,83% trong 3 tháng qua.

Trong danh mục đầu tư lớn của VESAF còn có cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta – doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan của Mỹ. Đây là lý do cổ phiếu FMC cũng nằm sàn, đóng phiên ở 43.850 đồng/cổ phiếu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết, Việt Nam phải gánh thuế 46% - cao hơn đáng kể so với các đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%).

Trước quyết định bất ngờ, ông Lực cho rằng, để đánh giá chính xác cần có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, với mức chênh lệch thuế quá lớn, thủy sản Việt Nam, một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô trong năm 2024, gần như không thể cạnh tranh, đặc biệt khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%.

Trước đó, doanh nghiệp chỉ dự đoán mức thuế có thể khoảng 10%, nhưng con số thực tế lại cao gấp nhiều lần, vượt xa mọi tính toán. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ hoặc đàm phán để điều chỉnh mức thuế, việc rút khỏi thị trường Mỹ không còn là viễn cảnh xa vời.

"Tình huống kinh doanh ở Mỹ quả là gian nan. Ngoài chuyện ứng xử với đối tác, còn chuyện ứng xử các vụ kiện đã và đang xảy ra cũng như sắp xảy ra. Nhiều lúc việc lo cho các vụ kiện còn phức tạp hơn chuyện kinh doanh", Chủ tịch Sao Ta chia sẻ trong một bài viết đăng trên trang của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sáng ngày 03/04.

Hiệu suất đầu tư của các quỹ sụt giảm sau khi thị trường biến động mạnh

Hiệu suất đầu tư của các quỹ sụt giảm sau khi thị trường biến động mạnh

Quỹ Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF) cũng thuộc Top hiệu suất giảm mạnh. Xét về phân bổ tài sản đầu tư theo ngành, VCBF-MGF đang đầu tư khá dàn trải, trong đó nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng 20,37%, bất động sản 10,72%, công nghệ thông tin 7,84%, sản xuất phụ trợ 6,77%, tiện ích 6,57%...

Dù phân bổ vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng với việc thị trường đồng loạt giảm mạnh, quỹ đầu tư này không tránh khỏi liên lụy. Đáng chú ý, VCBF-MGF đang giữ tỷ trọng tiền và tương đương tiền ở mức thấp (6,88%) và đầu tư “tất tay” vào cổ phiếu với tỷ trọng 93,12% tài sản đầu tư.

Thực tế, theo số liệu mới nhất, vào cuối tháng 2/2024, các quỹ đầu tư đã có diễn biến thận trọng khi tăng tỷ trọng nắm giữ tiền và tương đương tiền. Cụ thể, có 18/30 quỹ ghi nhận tăng nắm giữ tỷ trọng tiền mặt (so với 15 quỹ trong tháng 1/2025). Dù vậy, tỷ trọng nắm giữ tiền mặt của các quỹ vẫn ở mức khá thấp, thường dưới 10%, so với những thời điểm tiền và tương đương tiền có thể ở mức trên 50% tổng tài sản đầu tư.

Thị trường tài chính với các nhiễu động ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả đầu tư của các quỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tránh việc “lướt sóng” chứng chỉ quỹ, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mà nên có kế hoạch đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan