Không tiết lộ mức cụ thể, song đại diện Petrolimex khẳng định, sẽ cố gắng đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex khẳng định, giá trị niêm yết của doanh nghiệp được xác định bởi chính thị trường.
“Là người quản trị doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo giữ được quyền lợi cho nhà đầu tư, song chắc chắn giá niêm yết không thể thấp hơn giá phát hành cho cổ đông chiến lược JX NOE”, ông Bảo nhấn mạnh và cho biết thêm, giá khởi điểm sẽ được công bố cụ thể sau khi chính thức công bố ngày lên sàn.
"Với mức giá giao dịch trên OTC hiện nay khoảng gần 50.000 đồng, như vậy khả năng chắc chắn là giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của PLX sẽ không thấp hơn giá phát hành cho nhà đầu tư chiến lược JX NOE", ông Bảo khẳng định.
Trả lời câu hỏi về cách thức và mức chia cổ tức, ông Bảo cho biết, cổ tức năm 2016 được chia sau khi PLX niêm yết vào tháng 4 tới. Tại ĐHCĐ diễn ra vào 25/4 tới, HĐQT sẽ trình cổ đông mức chia cổ tức hợp lý, nhưng sẽ không thấp hơn mức 16% của năm 2015.
Đánh giá về ưu thế cũng như rủi ro trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, ông Bảo khẳng định: “Chúng tôi xác định cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu sẽ rất khốc liệt và là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Do đó, trong kế hoạch 3 năm tới, chúng tôi đã đưa ra những kịch bản trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, kể cả việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường”.
Mặc dù vậy, người đứng đầu PLX cũng tự tin khẳng định, với uy tín, sự ủng hộ của khách hàng và sự thay đổi về quản trị công khai minh bạch hơn dự kiến sẽ vẫn chiếm lĩnh thị phần từ 48-50% trong những năm tới.
Lý giải việc thoái vốn trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, ông Bảo cho biết, đây là những lĩnh vực mà Chính phủ yêu cầu thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước và đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn như PLX.
“Xăng dầu có tính thanh khoản cao trên thị trường quốc tế, không khác gì vàng, ngoại tệ, nên Chính phủ đồng ý Petrolimex giảm dần theo tỷ lệ sở hữu chứ không phải thoái vốn toàn bộ. Tuy nhiên, với những lĩnh vực mang tính rủi ro cao, thì Tập đoàn vẫn sẽ giảm thiểu tối đa hoạt động mà sẽ tập trung vào mảng bán lẻ vốn là lợi thế của Tập đoàn”, ông Bảo chia sẻ.
Liên quan đến các mảng hoạt động của PLX tại thị trường nước ngoài, đại diện PLX cho biết, hiện Tập đoàn vẫn định hướng duy trì hoạt động tại các thị trường truyền thống như Lào và Campuchia. Trong đó, tại thị trường Lào, sau khi mua lại một công ty của Mỹ, PLX đang trong quá trình xây dựng chiến lược cho mảng bán lẻ tại Lào. Hiện PLX đã vươn lên vị trí thứ 3 sau 2 công ty của Lào và đang cố gắng duy trì trong Top dẫn dầu tại Lào trong dài hạn.
Bên cạnh đó, thị trường Campuchia vẫn được xác định là thị trường tiềm năng trong dài hạn. Còn Petrolimex Singapore sẽ tiếp tục được phát triển mạnh theo hướng quốc tế hóa và đảm bảo vị thế trong thị trường khu vực.
Thành lập năm 1956, Petrolimex hiện là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 50%. Tập đoàn này đã thực hiện IPO vào năm 2011 với vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng. Sau đó, đã bán khoảng 103,5 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 10% cổ phần cho cổ đông chiến lược Nhật bản là JX Nippon Oil & Energy Corporation (JX NOE), công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Nhật Bản với 43%% thị phần.
Ngoài ra, Petrolimex đã mua vào khoảng 155 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2016. Vốn điều lệ hiện tại của Petrolimex là 12.939 tỷ đồng (tương đương 1,29 tỷ cổ phiếu). Hiện Bộ Công thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Petrolimex, sở hữu 981,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 75,87% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược JX NOE sở hữu 103,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8% cổ phần với thời gian giới hạn chuyển nhượng là 5 năm; lượng cổ phiếu quỹ chiếm 11,98% cổ phần.
PLX dự kiến sẽ chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vào tháng 4/2017 sau 6 năm IPO.