Carlsberg từng đánh tiếng về mức giá “phù hợp” của Habeco là tương đương định giá 48.000 đồng/cổ phiếu

Carlsberg từng đánh tiếng về mức giá “phù hợp” của Habeco là tương đương định giá 48.000 đồng/cổ phiếu

Giá cao ngất ngưởng, Bộ Công thương sẽ thoái vốn Habeco, Sabeco thế nào?

(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12/2016, cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) và SAB của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đồng loạt giảm sàn về mức tương ứng 162.900 đồng/cổ phiếu và 197.200 đồng/cổ phiếu. Bộ Công thương sẽ thoái vốn Habeco, Sabeco như thế nào, nếu giá các cổ phiếu này duy trì ở mức nói trên?

Thế khó của Bộ Công thương

“Thông thường, tại các trường hợp doanh nghiệp niêm yết hoặc đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, khi thoái vốn nhà nước, giá bán sẽ bằng hoặc cao hơn thị giá”, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn của Việt Nam, người gắn liền với nhiều thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán khi được hỏi về tương quan bán giữa giá bán cổ phần thoái vốn nhà nước và thị giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Vị này cũng cho rằng, trừ một vài trường hợp đặc biệt là bán thỏa thuận theo lô lớn mức giá có thể thấp hơn, nhưng nếu có, giá bán cũng không thể chênh quá nhiều so với thị giá.

Như vậy, nếu giá cổ phiếu không tiếp tục giảm, nếu muốn thoái vốn, Bộ Công thương có thể sẽ phải thoái vốn ở mức này. Nhưng, mức giá 162.900 đồng/cổ phiếu BHN và 197.200 đồng/cổ phiếu SAB có phải là mức giá phù hợp để thoái?

Carlsberg - cổ đông nắm trong tay quyền ưu tiên mua cổ phần tại Habeco đã đánh tiếng về mức giá “phù hợp” của Habeco là tương đương định giá 48.000 đồng/cổ phiếu.

Một so sánh đơn giản như sau: VNM đang được giao dịch ở mức giá tương đương P/E đạt 19,2 lần, BHN là 42,82 lần, còn SAB là 37,08 lần. Tại lần thoái vốn gần nhất, SCIC bán cổ phiếu VNM với mức giá tương đương P/E xấp xỉ 23 lần và… “ế” một phần. Vậy, Bộ Công thương liệu có thể thoái vốn thành công Habeco, Sabeco ở mức giá có P/E như hiện nay?

Nhận xét về tình huống này, vị phó tổng giám đốc nói trên cho rằng, nếu giá các cổ phiếu nói trên tiếp tục giảm thì Bộ Công thương mới có thể thoái vốn ở mức giá theo “thông lệ chung”, còn nếu không có lẽ phải có cơ chế đặc biệt trình xin Chính phủ.

“Hiện tại, khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do của cả Habeco và Sabeco đều rất nhỏ. Điều này có thể sẽ dẫn tới giá giao dịch trên thị trường không phải là mức giá hợp lý của cổ phiếu theo định giá. Tất nhiên, nếu nhà đầu tư mua theo dạng M&A thì mức giá có thể cao hơn giá thị trường theo định giá thông thường, nhưng cũng khó có thể vượt quá xa được”, vị này nói.

M&A Habeco, Sabeco: định giá nào là hợp lý?

Đặt câu hỏi về việc nếu Bộ Công thương thoái vốn, mức giá nào là phù hợp với cổ phiếu BHN của Habeco và SAB của Sabeco?

Với Habeco, căn cứ kết quả kinh doanh, định giá doanh nghiệp này khó có thể dựa theo phương pháp so sánh, mà nên nhìn vào giá trị tài sản và lợi thế riêng, uy tín thương hiệu của tổng công ty này. Trước đó, Carlsberg - cổ đông nắm trong tay quyền ưu tiên mua cổ phần tại Habeco đã đánh tiếng về mức giá “phù hợp” của Habeco là tương đương định giá 48.000 đồng/cổ phiếu.

Có lẽ, đây không phải là mức giá mong muốn của Bộ Công thương, bởi một nguồn tin tại Bộ này cho biết, việc phía Việt Nam muốn đàm phán lại về hợp đồng đối tác chiến lược đã ký trong quá khứ xuất phát từ việc đơn vị này muốn có cạnh tranh trong thoái vốn để bán mức giá cao hơn.

Thế khó của Bộ Công thương tại Sabeco là quy mô quá lớn, không phải vấn đề về giá, vì để “hạ nhiệt” cổ phiếu SAB, chỉ cần Bộ thực hiện bán ra thị trường khoảng 10% vốn điều lệ.

Một nguồn tin giấu tên hiện đang làm việc tại Carlsberg cho biết, ngoài những ưu, nhược điểm lớn như đã nói ở trên, giá trị tài sản rất lớn của Habeco chính là các nhà máy bia công suất lớn đã được xây dựng tại các công ty con. Nguồn tin này nhận xét: “Nếu về tay Carlsberg, việc đầu tiên để tái cấu trúc Tổng công ty và mang lại lợi nhuận lớn cho Habeco chính là bán đi các nhà máy này”.

Vậy, Carlsberg có sẵn sàng để tuột tay Habeco, nếu phía Việt Nam chào bán giá cao hơn? Khúc mắc lớn của Bộ Công thương có thể là tiến độ thoái vốn. Nếu không đàm phán lại hợp đồng được với Carlsberg hoặc không chấp nhận bán Habeco cho Carlsberg ở mức giá thấp, năm 2017, đơn vị này có thể cũng chưa thoái vốn thành công khỏi Habeco.

Với Sabeco, lãnh đạo một công ty chuyên định giá và tư vấn M&A nhận xét, nếu SAB rơi về mức giá xấp xỉ 150.000 đến 160.000 đồng/cổ phiếu thì không khó để Bộ Công thương tìm được đối tác thoái vốn chiến lược. Thế khó của Bộ tại Sabeco là quy mô quá lớn, không phải vấn đề về giá, vì theo vị này, để “hạ nhiệt” cổ phiếu SAB, chỉ cần Bộ Công thương thực hiện bán ra thị trường khoảng 10% vốn điều lệ.

“Khi số cổ phiếu lưu hành tự do được tăng lên, thị giá tự sẽ điều chỉnh về mức hợp lý. Đó là cơ hội cho Bộ Công thương thoái vốn thành công ở mức giá hợp lý mà không lo sức ép về việc giá bán không thấp hơn giá giao dịch tự do”, vị này nhận xét.       

Tin bài liên quan