Xuất khẩu tốt lên, giá nguyên liệu sẽ tiếp tục ở mức cao
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đầu năm 2018 ghi nhận tín hiệu tích cực với giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1,11 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu khả quan là một trong những động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thông qua. CPTPP được kỳ vọng củng cố triển vọng của ngành thủy sản, trong đó có cá tra. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2018, dự báo xuất khẩu cá tra có thể đạt giá trị 1,85 tỷ USD.
Nhu cầu xuất khẩu dự báo tăng cùng khó khăn về nguồn con giống đã đẩy giá cá nguyên liệu trong nước tăng cao kỷ lục. Đầu tháng 3/2018, theo kết quả khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục trên 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức cao nhất trong những năm gần đây đối với ngành xuất khẩu cá tra trong nước. Điều này mang lại lợi nhuận cao cho hộ nuôi trồng, nhưng đồng thời khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cá nguyên liệu.
Nhận định đưa ra từ ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Nam Việt (ANV), giá cá dự báo năm 2018 sẽ tiếp tục ở mức cao do tình hình cá giống còn rất khó khăn. Theo đó, giá nguyên liệu sẽ duy trì mức 30.000 - 32.000 đồng/kg như hiện nay và khó có thể giảm hơn.
Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Theo ông Nhứt, việc giá cá tra tăng tác động đến các doanh nghiệp trong ngành theo 2 nhóm doanh nghiệp, đó là nhóm doanh nghiệp có vùng nuôi khép kín và nhóm doanh nghiệp thu mua và chế biến xuất khẩu.
Doanh nghiệp có vùng nuôi khép kín bao gồm vùng nuôi, nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến, sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ diễn biến hiện tại bởi sở hữu nguồn nguyên liệu giá thành thấp và đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho chế biến.
Hiện ANV đã tự chủ 100% vùng nguyên liệu với giá thành nguyên liệu đầu vào trung bình 22.000 đồng/kg. Bên cạnh phục vụ cho nhà máy chế biến, ANV cũng tranh thủ bán nguyên liệu để hưởng chênh lệch giá, tuy nhiên tỷ lệ này khá thấp.
Với diễn biến khả quan trên, đại diện ANV cho hay, quý I/2018, ước lợi nhuận trước thuế của Công ty có thể đạt 60 - 70 tỷ đồng. Theo đó, năm 2018, dự kiến giá trị xuất khẩu của ANV đạt 120 triệu USD, tăng 20% so với năm 2017, doanh số cả năm ước đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng.
Con số này tăng hơn 100 tỷ đồng so với mức dự kiến mà Chủ tịch ANV đưa ra tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vào cuối năm 2017 là 200 tỷ đồng. Nguyên nhân theo ông Nhứt, do diễn biến giá cá từ đó đến nay vẫn tiếp tục tăng, trong khi chi phí tài chính ANV đang giảm dần theo hướng giảm dần nợ vay. “Hiện nay, chi phí lãi vay của Công ty đã giảm hơn 50% so với năm 2017”, ông Nhứt nói.
Một doanh nghiệp khác đang tự chủ nguồn nguyên liệu lên đến 95% là CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI). Theo ông Trương Công Khánh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc tài chính IDI, trong năm 2017, tỷ lệ tự chủ vùng nguyên của IDI là 80%, nhưng đầu năm 2018, IDI đã nâng tỷ lệ này lên 95%. Dự kiến, đến tháng 9/2018, IDI sẽ nâng tổng diện tích vùng nuôi bao gồm liên kết lên 350 ha.
Việc chủ động nguyên liệu giúp IDI hạn chế được tác động của việc tăng giá cá nguyên liệu trên thị trường. Hiện giá nguyên liệu đầu vào bình quân của IDI khoảng 23.000 đồng/kg, thấp hơn 30% so với giá thị trường.
Sang năm 2018, nhu cầu cá tra tại hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng, sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 của IDI tăng khoảng 10% so với năm 2017 và tăng 12% về giá trị xuất khẩu nhờ giá bán tăng. Theo ông Khánh, nhiều nhà máy năng lực sản xuất không đủ nhu cầu. Trong khi đó, một số đơn vị chịu áp lực vốn vay khiến thời điểm này phải tranh thủ bán hàng, giá bán khó tăng mạnh. Những đơn vị có nợ ngân hàng lớn đã và sẽ dần mất đi năng lực cạnh tranh. Ông Khánh cho biết, một lượng lớn đơn hàng đổ về IDI trong thời gian qua khiến công suất hoạt động của Công ty hiện đã đầy, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong quý II/2018, IDI sẽ khởi công xây dựng nhà máy mới với công suất 450 tấn/12 giờ, gấp đôi công suất hiện tại. Nhà máy có tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng, đặt tại Khu công nghiệp Vàm Cống (Đồng Tháp), tháng 3/2019 có thể đi vào hoạt động chính thức.
Với những diễn biến tích cực của ngành, ông Khánh cho hay, doanh số của IDI trong năm 2018 có thể đạt 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng.
“Quý IV/2017, lợi nhuận đạt 120 tỷ đồng, nếu tính cả khoản chi lương, thưởng Tết, lãi thực có thể đạt 175 tỷ đồng. Ước tính, 2 quý đầu năm 2018, IDI đạt tối thiếu 300 tỷ đồng lợi nhuận, 2 quý còn lại rơi vào quý mùa vụ của IDI nên lợi nhuận có thể cao hơn”, ông Khánh chia sẻ.