Giá cả thị trường trong ngày 29 Tết không có nhiều biến động

0:00 / 0:00
0:00
Lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều. Đây là ngày nghỉ lễ thứ ba nên lượt người mua sắm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết.
Người dân mua sắm Tết tại một siêu thị ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh:Thanh Liêm/TTXVN).

Người dân mua sắm Tết tại một siêu thị ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh:Thanh Liêm/TTXVN).

Ngày 31/1 (tức 29 Tết Nguyên đán), Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cung cầu thị trường ngày cuối cùng của năm Tân Sửu diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá.

Lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều. Đây là ngày nghỉ lễ thứ ba nên lượt người mua sắm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết.

Đồng thời, theo Cục Quản lý giá, với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 hiện nay thì hoạt động mua sắm của người dân cũng trầm lắng hơn so với cùng thời điểm các năm, hoạt động mua sắm của người dân chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ cúng Giao thừa và sáng mùng 1 như hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết; lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, nhiều siêu thị đã có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố lớn.

Cục Quản lý giá đánh giá, về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng như rau củ quả, một số mặt hàng thủy hải sản, hoa trưng bày Tết.

Do tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều người lao động ở lại các thành phố lớn đón Tết, vì vậy hoạt động mua sắm ở các thành phố lớn vẫn nhộn nhịp hơn; tuy nhiên các hoạt động vui chơi giải trí lễ hội đều hạn chế do đó giá cả các dịch vụ này đều không có sự biến động giá bất thường.

Cụ thể, hàng thực phẩm tươi sống như giá thịt lợn nạc thăn, giá thịt bò có sự tăng nhẹ, mặt hàng thịt gà ta, hải sản có giá tương đối ổn định do nguồn cung dồi dào. Nhìn chung không có mặt hàng nào tăng giá đột biến. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường.

Mặt hàng rau củ quả tăng nhẹ do sức mua tăng để chuẩn bị lễ cúng ngày cuối năm nhưng nguồn cung ổn định đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Trong khi đó giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm; lượng mua giảm dần vào ngày cuối năm.

Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng; các loại hoa quả tươi bày thờ cúng tăng giá nhẹ để phục vụ nhu cầu các gia đình bày mâm ngũ quả, cắm hoa Tết.

Giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định, riêng tại Tiền Giang giá trông giữ xe biến động tăng tại các chợ.

Giá cước vận tải, do tác động của dịch COVID-19, nhiều người dân không về quê ăn Tết hoặc đi xe riêng, cũng như đã về từ những ngày trước nên nhu cầu đi lại giảm xuống, lượng khách tại các bến xe trung tâm khá ít.

Đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19, các nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... đều có bán các loại mặt hàng khẩu trang y tế, các loại que test nhanh và dung dịch rửa tay kháng khuẩn với nhiều nhãn hiệu, chủng loại.

Nhìn chung, mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay kháng khuẩn dồi dào, không có hiện tượng khan hiếm, găm hàng, giá ổn định.

Cục Quản lý giá dự báo, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết là ngày đầu tiên của năm mới không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm sẽ ít hơn, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết.

Cùng với đó, tại các tỉnh, thành phố lớn thì nhiều siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết; đến khoảng trưa ngày mùng 1 Tết các cửa hàng cũng sẽ dần mở của đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ.

Cục Quản lý giá kiến nghị các tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung và nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động, tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hoặc trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Song song với đó, các địa phương tiếp tục theo dõi và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm có thể tập trung đông người như ở các chợ truyền thống, siêu thị…

Tin bài liên quan