Mặc dù giá Bitcoin kết thúc tuần vừa qua với việc hồi phục lên trên 50.000 USD nhờ vào đà tăng của chỉ số S&P500, tuy nhiên áp lực bán lớn đè nặng đã khiến giá của đồng tiền điện tử vua không thể trụ vững để rồi tụt xuống khoảng 49.000 USD ở thời điểm hiện tại.
Theo dữ liệu từ trang phân tích Glassnode, khối lượng giao dịch của Bitcoin đạt mức thấp nhất trong một tháng, trái ngược hẳn với sự nhộn nhịp diễn ra từ tuần trước khi mà giá của đồng Bitcoin chạm đáy 42.000 USD vào ngày 4/12. Khối lượng giao dịch giảm cho thấy triển vọng hồi phục trở lại vùng đỉnh của Bitcoin trong giai đoạn này sẽ rất khó khăn.
Tâm lý thị trường, phản ánh qua chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear and Greed Index) cũng có sự thay đổi chóng mặt khi lần đầu tiên chạm mốc sợ hãi (16 điểm vào ngày 6/12) sau 5 tháng, hồi phục lên sợ hãi trong thứ Bảy rồi tiếp tục sụt xuống mức 16 điểm trước khi hồi phục trở lại ở múc 28 điểm (sợ hãi) ở thời điểm hiện tại. Tính chung trong vòng 8 tháng, chỉ số này đã sụt giảm khoảng 56 điểm.
Lần cuối cùng, tâm lý giới đầu tư trở nên sợ hãi như vậy khi giá Bitcoin tụt xuống dưới 30.000 USD sau đợt bán tháo nghiêm trọng diễn ra trong quý II/2021.
Một chia sẻ về số lượng Bitcoin được lưu trữ cho thấy khác biệt với thời điểm tháng 5. Hiện tại, giá Bitcoin giảm nhưng số lượng Bitcoin được lưu trữ tăng lên. Còn thời điểm tháng 5 thì giá giảm nhưng số lượng Bitcoin được lưu trữ cũng giảm theo, tức số lượng Bitcoin lưu thông trên thị trường tăng (đường màu đỏ).
Cùng với đó, Bitcoin trên các sàn giao dịch vẫn tiếp tục rời khỏi sàn. Ngược lại với thời điểm tháng 5, giá xuống và lượng BTC trên các sàn giao dịch tăng lên.
Số lượng Bitcoin được đẩy lên cả sàn giao dịch thông thường (spot) và các sàn phái sinh. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy số lượng Bitcoin phần lớn được đẩy lên các sàn phái sinh.
Những đợt giảm gần đây, sự hoảng loạn và động thái bán chủ yếu đến từ các nhà đầu tư ngắn hạn. Chỉ số Short - Term Holder cho thấy có những thời điểm nhà đầu tư ngắn hạn (lưu trữ Bitcoin dưới 155 ngày) chấp nhận bán lỗ. Nhà đầu tư dài hạn hầu như không có phản ứng.
Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến thị trường tiền điện tử trở nên ảm đạm như vậy là do giới đầu tư lo lắng vụ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande có thể gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trên thị trường bất động sản của Trung Quốc, làm tổn hại đến các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính toàn cầu. Cùng với đó là những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ rút ngắn thời gian điều chỉnh lãi suất trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất trong vòng 39 năm và các tùy chọn vị thế trị giá 1,1 tỷ USD đáo hạn vào ngày 10/12 đã khiến cho phe gấu đút túi khoản lợi nhuận hơn 300 triệu USD.
Chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, Mike McGlone đã gọi thị trường trong giai đoạn này là "Một thị trường đang trong xu hướng tăng giá bị tạm dừng, điều chỉnh và làm mới" nhưng lưu ý rằng Bitcoin vẫn đang đi đúng lộ trình để tiến đến cột mốc 100.000 USD.
Ông tin rằng đến năm 2022, chính phủ Mỹ sẽ chấp nhận tiền điện tử nhờ vào những chính sách, quy định thích hợp. Ngoài ra, nguồn cung vô hạn của tiền pháp định sẽ là cơ sở quan trọng để duy trì đà tăng cho đồng Bitcoin và Ethereum, những loại tài sản có nguồn cung cố định.
Bitcoin không thể giữ được cột mốc 50.000 USD trong phiên giao dịch ngày 13/12. Nguồn: Coin360. |
Ngoài Bitcoin, có 7/10 đồng tiền điện tử đứng đầu giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 1,08% còn 4.003 USD; Binance Coin giảm 0,51% còn 559,45 USD; Tether giảm 0,09% còn 1,00 USD; Solana giảm 1,12% còn 167,95 USD; Cardano giảm 5,33% còn 1,31 USD; XRP giảm 0,34% còn 0,842 USD.
Có 3/10 đồng tiền đứng đầu tăng giá: HEX tăng 0,45% đạt 0,15 USD; Polkadot tăng 5,14% đạt 29,18 USD; LUNA tăng 3,77% đạt 61,13 USD.
Trong bối cảnh giá Bitcoin đang có dấu hiệu trì trệ do giới đầu tư đang hồi hộp, ngóng chờ động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ, khi mà lạm phát trong tháng 11 chứng kiến mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, dường như dòng tiền đang có sự dịch chuyển sang các loại đồng tiền điện tử khác (altcoin).
Điều này là thông tin tốt đối không chỉ với đồng Ethereum (ETH) mà còn cả đối với các đồng tiền điện tử khác, đối thủ trực tiếp của nó. Khác với Bitcoin, đồng tiền điện tử đang được giới đầu tư xem như một kho lưu trữ tài sản (giống như vàng), ETH và các đồng tiền khác đại diện cho các khoản đánh cược vào một nền tảng phức tạp, nơi tạo ra các hợp đồng thông minh, ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), token không thể thay thế (NFT) và nhiều ứng dụng khác trong tương lai.
Giám đốc điều hành của Galaxy Investment Partners, ông Mike Novogratz cho biết: "Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy hiệu suất hoạt động của ETH vượt trội hơn hẳn so với Bitcoin thời gian vừa qua. Nếu nhìn vào giá của ETH có thể thấy đồng tiền điện tử này vẫn đang được giao dịch một cách tích cực nhất có thể. Mọi người đang xem khoản tiền đầu tư vào ETH giống như một món cược vào công nghệ còn Bitcoin như một khoản cược vào sự mất giá của các đồng tiền lớn".
Ở thời điểm hiện tại, giá của đồng ETH đang dao động quanh mốc 4.000 USD và cũng như hàng loạt các đồng tiền điện tử lớn khác đang phải chịu áp lực bán lớn.
Tuy nhiên, trước việc giá Bitcoin đã giảm khoảng 30% sau khi thiết lập mốc đỉnh kỷ lục 69.000 USD vào tháng 11, mức giảm của đồng ETH yếu hơn rất nhiều, bởi vậy nên nhiều nhà phân tích đã gọi đồng ETH là hàng rào chống lại sự mất giá của Bitcoin. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ giá ETH/BTC tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trong số các đồng tiền điện tử tăng điểm ngày hôm nay, đồng Shiba Inu (SHIB) được hưởng lợi từ thông tin công ty thanh toán Flexa cho phép thanh toán bằng đồng SHIB trên hệ thống mạng lưới của mình. Theo đó, người dùng ứng dụng SPEDN của Flexa có thể sử dùng đồng SHIB tại hơn 40.000 điểm bán hàng của hệ thống, trong đó bao gồm cả GameStop và Lowe’s trên nước Mỹ.
Flexa được xem là một hệ thống thanh toán thân thiện với thị trường tiền điện tử nhờ sự hợp tác với sàn giao dịch Gemini từ năm 2019.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 2.188 tỷ USD, giảm 7 tỷ USD so với ngày 10/12.