Bạch kim đã có quý tốt nhất kể từ năm 2008 khi đạt 1.086 USD/ounce vào quý IV/2022, tăng hơn 26% so với đầu tháng 10.
Ngân hàng đầu tư UBS đã điều chỉnh lại dự báo giá bạch kim vào năm 2023 và ước tính rằng kim loại quý này sẽ đạt 1.150 USD/ounce trong tháng 6, tăng so với ước tính trước đó là 1.100 USD và dự kiến đạt 1.200 USD/ounce vào tháng 12. Kim loại quý này hiện đang giao dịch quanh 1.004 USD/ounce.
UBS cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước: “Sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm, việc tăng lãi suất của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng và đồng đô la Mỹ mạnh hơn đã gây áp lực lên bạch kim”.
Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), thị trường bạch kim toàn cầu sẽ có sự thâm hụt “sâu hơn dự kiến” vào năm 2023 khi nhu cầu tăng vọt và nguồn cung phải vật lộn để theo kịp.
WPIC dự báo mức thâm hụt của thị trường bạch kim là 556.000 ounce (556 koz) trong năm nay sau khi dư cung trên toàn cầu trong hai năm trước đó.
Vào năm 2022, WPIC ghi nhận thặng dư 776.000 ounce nhưng vào năm 2023, nguồn cung sẽ vượt xa nhu cầu và gây ra sự thiếu hụt đáng kể.
“Điểm mấu chốt là chúng tôi kỳ vọng tổng nhu cầu sẽ tăng trưởng đáng kể 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng, nhu cầu về bạch kim được bảo vệ khá tốt khỏi sự bất ổn kinh tế”, theo Ed Sterck, Giám đốc nghiên cứu của WPIC cho biết.
Vấn đề nguồn cung
Theo WPIC, nguồn cung khai thác bạch kim tinh chế đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022, trong đó Nam Phi và Nga có mức giảm lớn nhất.
Theo UBS, Nam Phi thường chiếm hơn 70% nguồn cung khai thác bạch kim của thế giới, nhưng quá trình này đã bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng điện ngày càng trầm trọng của quốc gia này. WPIC đã báo cáo sản lượng khai thác từ Nam Phi vào năm 2022 giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán sự biến động liên tục sẽ khiến nguồn cung khai thác gần như không thay đổi trong năm nay.
Trong khi đó, nguồn cung của Nga đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 do căng thẳng địa chính trị làm cản trở việc vận chuyển các sản phẩm có chứa bạch kim. WPIC ước tính rằng, các vấn đề vận tải quốc tế sẽ tiếp diễn trong năm nay và tổng sản lượng bạch kim ở Nga sẽ “giảm nhẹ, nhưng vẫn mạnh”.
Quy trình tái chế hồi phục
Báo cáo của WPIC cho biết, tái chế là nguồn cung cấp bạch kim chính khác, nhưng nguồn cung bạch kim tái chế toàn cầu cũng giảm vào năm 2022.
Ô tô đã được sử dụng lâu hơn do số lượng phương tiện mới giảm và thói quen của người tiêu dùng thay đổi, trong khi lượng bạch kim chứa trong đồ trang sức bị loại bỏ cũng giảm năm ngoái. Theo báo cáo, doanh số bán đồ trang sức yếu hơn ở Trung Quốc “đã hạn chế hoạt động bán lại”.
WPIC ước tính sẽ có một số phục hồi trong nguồn cung bạch kim tái chế vào năm 2023, nhưng số lượng này sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Nhu cầu tăng
Bạch kim đang trở thành một thành phần ngày càng quan trọng trong những chiếc ô tô mới và đang thay thế palađi đắt tiền hơn trong bộ chuyển đổi xúc tác. Kim loại này giúp trung hòa lượng khí thải độc hại trong các phương tiện giao thông, vì vậy các quy định pháp luật về khí thải chặt chẽ hơn và sự phổ biến ngày càng tăng của các phương tiện hybrid sẽ chỉ gây áp lực lớn hơn đối với nhu cầu bạch kim.
Theo WPIC, nhu cầu ô tô toàn cầu đối với bạch kim dự kiến sẽ tăng 10% vào năm 2023 lên 3,246 triệu ounce.
“Trang sức có lẽ là lĩnh vực không chắc chắn nhất khi nói đến nhu cầu bạch kim…, nhưng nó là một thành phần tương đối nhỏ trong bức tranh toàn cảnh”, ông Ed Sterck cho biết.
Theo WPIC, nhu cầu bạch kim dự kiến sẽ tăng nhưng với mức khiêm tốn 2% lên 1,936 triệu ounce. Nhu cầu toàn cầu sẽ bị cản trở bởi tác động của sự bất ổn kinh tế đối với chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc và nỗi lo suy thoái kinh tế trên khắp châu Âu và Mỹ.
Theo WPIC, nhu cầu bạch kim trong công nghiệp vào năm 2023 sẽ tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là việc sử dụng bạch kim trong ngành thủy tinh và y tế dự kiến sẽ tăng.
“Tất cả các yếu tố được xem xét, thị trường bạch kim có khả năng đang bước vào sự thâm hụt kéo dài và bền vững", ông Ed Sterck cho biết.