Trưởng thành về quy mô, trưởng thành về minh bạch
Từ những ngày đầu chỉ với 2 công ty niêm yết, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 700 công ty niêm yết, hơn 500 công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu, vốn hoá lên tới 40% GDP. Đặc biệt, Việt Nam đã có một thị trường trái phiếu với quy mô 23% GDP, tốc độ tăng trưởng 28%/năm.
Tính đến 31/5/2017, trên Sở GDCK Hà Nội có 382 doanh nghiệp niêm yết với giá trị niêm yết đạt 112,67 nghìn tỷ đồng, vốn hóa đạt 173,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra có 562 DN đăng ký giao dịch với giá trị đăng ký giao dịch đạt 195 nghìn tỷ đồng, vốn hóa đạt 426 nghìn tỷ đồng.
Chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện rõ rệt, kết quả hoạt động của doanh nghiệp năm 2016 tốt hơn so với năm 2015, đến nay đã có 344/380 doanh nghiệp niêm yết (đạt trên 90%) thực hiện công bố thông tin qua hệ thống công bố thông tin tự động (CIMS), góp phần rút ngắn thời gian công bố thông tin, giảm thiểu sai sót, đưa việc tuân thủ nghĩa vụ này đi vào nề nếp.
Số doanh nghiệp công bố thông tin đúng hạn về báo cáo tài chính với khối doanh nghiệp niêm yết đạt đến hơn 98%, giúp công chúng đầu tư tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn.
Trên Sở GDCK TP. HCM có 335 công ty niêm yết, với giá trị niêm yết đạt 526,96 nghìn tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm công bố thông tin giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số đầy ý nghĩa, thể hiện sự minh bạch và trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bền bỉ xây giá trị
Những thành quả về minh bạch và chất lượng minh bạch của các doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, các Sở GDCK, nỗ lực của doanh nghiệp thì vai trò của các đơn vị truyền thông cũng rất quan trọng. Trong những nỗ lực này, Cuộc Báo cáo thường niên hàng năm do HOSE phối hợp với HNX, Báo Đầu tư Chứng khoán và một số đơn vị liên quan tổ chức là một nỗ lực bền bỉ và có ý nghĩa rất lớn.
Cuộc bình chọn được khởi tạo vào năm 2007, năm đầu tiên Luật Chứng khoán có hiệu lực, đã chung sức khích lệ và dẫn dắt các doanh nghiệp niêm yết thực thi sự minh bạch, hướng đến các giá trị cao hơn.
Thực tế cho thấy, nếu như các thông tin tài chính được thể hiện đầy đủ nhất ở báo cáo tài chính thì các thông tin về nền tảng doanh nghiệp, đánh giá cơ hội và rủi ro, hiện trạng hoạt động, quản trị và điều hành DN, mục tiêu và khát vọng tương lai… lại hội tụ đầy đủ trong ấn phẩm Báo cáo thường niên (BCTN). Về pháp lý, các nội dung quy định tại BCTN tại Thông tư 155/TT-BTC khá tương đồng với quy định của nhiều quốc gia như tại Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản…
Kết quả của các cuộc bình chọn BCTN những năm gần đây cho thấy, nhiều DN đã tuân thủ rất tốt các vấn đề pháp lý, giảm dần những nội dung không trọng tâm, từng bước hướng tới những chuẩn mực của thông lệ khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội để hướng đến phát triển doanh nghiệp bền vững. Thông thường những doanh nghiệp có chất lượng BCTN tốt, công bố thông tin đầy đủ, minh bạch, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả ở trên thị trường trong nhiều năm qua, được công chúng, nhà đầu tư đón nhận. Nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn biết cách chọn lựa và trả giá phù hợp cho những DN xứng tầm.
Cũng liên quan đến Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, một điểm sáng đáng ghi nhận là TTCK Việt Nam đã xuất hiện một số DN tiên phong thực thi báo cáo riêng về phát triển bền vững. Báo cáo của DN thực thi theo đúng chuẩn mực quốc tế, mặc dù Thông tư 155/2015/TT-BTC chỉ yêu cầu doanh nghiệp tích hợp báo cáo phát triển bền vững vào trong BCTN.
Nhiều DN cũng đã quen dần với cách công bố thông tin bằng tiếng Anh (song song với bản tiếng Việt). Đây là điều rất đáng ghi nhận vì TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nâng hạng thị trường theo chuẩn mực MSCI, đòi hỏi thị trường và doanh nghiệp phải minh bạch hơn nữa mới có thể cải thiện được “điểm số” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.