Nợ vay hơn 61.000 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối tháng 6/2018, nợ phải trả của Genco 3 là 69.697 tỷ đồng, gấp gần 7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay (ngắn và dài hạn) là 61.029 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là dư nợ ngoại tệ (USD, JPY, CNY...). Vì vậy, biến động tỷ giá có tác động lớn tới Genco 3.
Trong quý II/2018, chi phí tài chính của Genco 3 là 1.589 tỷ đồng (bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay…), hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ròng của Tổng công ty chỉ đạt vỏn vẹn 8 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 335 tỷ đồng trong cùng kỳ, dù doanh thu tăng nhẹ và biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 9,6% lên 14,4%.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu sau khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần diễn ra ngày 17/9/2018, ông Đinh Quốc Lâm, Tổng giám đốc Genco 3 cho biết, lỗ chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2017 là 2.449 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty lỗ chênh lệch tỷ giá gần 745 tỷ đồng.
Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 2.499 tỷ đồng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cơ chế xử lý số lỗ chênh lệch tỷ giá.
Đề xuất cụ thể như sau: từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm Genco 3 chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty được phân bổ số lỗ chênh lệch tỷ giá theo nguyên tắc phân bổ tối đa.
Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, Genco 3 được thực hiện phân bổ số lỗ chênh lệch tỷ giá còn lại cho các năm tiếp theo, nhưng không quá 5 năm.
Trên báo cáo tài chính năm 2017 của Genco3 đã được kiểm toán, kiểm toán viên lưu ý:
Theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ bản được ghi nhận vào chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” được phản ánh trong phần “Vốn chủ sở hữu” và được phân bổ dần vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong thời gian không quá 5 năm kể từ khi các công trình đi vào hoạt động thương mại.
Theo hướng dẫn tại Công văn 5344/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về việc xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong Công văn số 122/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ kế toán năm của các khoản nợ phải trả dài hạn có gốc ngoại tệ tại ngày 31/12/2016 được ghi nhận vào chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” thuộc “Vốn chủ sở hữu”,
Thay vì vào “Chi phí tài chính” và được phân bổ vào chi phí năm 2016 ít nhất bằng số chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ đến hạn trả trong năm 2017 và đảm bảo kết quả sản xuất - kinh doanh không lỗ, số còn lại được theo dõi và tiếp tục phân bổ trong thời gian không quá 5 năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một số chuyên viên phân tích cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua sẽ là kết quả thuận lợi cho Genco 3; ngược lại, khả năng xấu nhất là Tổng công ty phải hạch toán ngay một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn vào kết quả kinh doanh năm gần nhất.
Sẽ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp
Để giảm tỷ lệ nợ trên vốn, thuận lợi hơn trong việc huy động vốn đầu tư cho dự án mới (cụ thể là Dự án Nhà máy điện Long Sơn) và chuyển sàn niêm yết trên HOSE, Genco 3 có kế hoạch tái cơ cấu công ty, được chia thành 2 giai đoạn, thực hiện trong vòng 3 năm.
Ở giai đoạn 1, Genco 3 sẽ thoái vốn tại 3 công ty, kỳ vọng mang về 1.200 tỷ đồng, gần gấp đôi giá trị vốn góp (xem bảng). Giai đoạn 2, Tổng công ty dự kiến thoái 51% vốn điều lệ tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương, đồng thời phát hành tăng vốn điều lệ thêm 20% cho các nhà đầu tư trong năm. Genco 3 kỳ vọng sẽ kéo tỷ lệ nợ trên vốn xuống dưới 3 lần.
Theo ông Lâm, bước then chốt trong giai đoạn 2 là cổ phần hóa Nhiệt điện Mông Dương, sau đó tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược, qua đó thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại Genco 3 theo quy định.
Bên cạnh đó, Genco 3 dự kiến sẽ chuyển đăng ký giao dịch từ sàn UPCoM lên niêm yết trên HOSE trong năm 2020.
Genco 3 đã kết thúc đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng để cổ phần hóa từ tháng 2/2018, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được kế hoạch bán 36% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như phương án cổ phần hóa, khiến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn lớn.
Về vấn đề này, ông Lâm cho biết, hiện có 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Qatar quan tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của Genco 3. Tuy nhiên, Tổng công ty sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhằm làm lành mạnh hóa tài chính trước, sau đó sẽ làm việc sâu hơn với các đối tác.
Ước kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Genco 3 chia sẻ, Tổng công ty dự kiến đạt 28.248,3 tỷ đồng doanh thu và 1.325,9 tỷ đồng lợi nhuận (chưa tính chênh lệch tỷ giá), trong đó lợi nhuận sản xuất - kinh doanh điện là 1.122,5 tỷ đồng.
Trong 3 tháng còn lại của năm, Tổng công ty phấn đấu đạt doanh thu 10.127 tỷ đồng, lợi nhuận (chưa tính chênh lệch tỷ giá) 165 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sản xuất điện là 164,7 tỷ đồng.