Genco 2 thu hàng nghìn tỷ đồng cổ tức từ công ty con
Ngày 16/7 tới, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 4/2020, với tỷ lệ 12,5%. Sau đợt này, PPC sẽ còn một đợt trả cổ tức với tỷ lệ 12,5% theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 đã được đại hội cổ đông thường niên 2021 thông qua, với tỷ lệ 58,94% vốn điều lệ. Đây cũng là mức chia cổ tức cao nhất của PPC tính từ năm 2014 tới nay.
Ước tính, Công ty sẽ phải chi ra tổng cộng 801,5 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) sở hữu 51% vốn điều lệ của PPC sẽ nhận được 415,98 tỷ đồng cổ tức năm 2020. Chưa kể, có thể PPC sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2021.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), mà Genco 2 sở hữu 51%. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, doanh nghiệp này đã bất ngờ thông qua kế hoạch trả cổ tức 24,25% cho cổ đông trong năm 2020.
Được biết, giai đoạn 2014 - 2018, HND chỉ duy trì cổ tức dưới 7,5%. Năm 2019, cổ tức tăng lên 16% và đột biến tăng lên 24,25% trong năm 2020. Mức cổ tức năm 2020 là cao nhất kể từ khi thành lập tới nay và đặc biệt cổ tức năm 2021 dự kiến chỉ còn 8%.
HND đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/6 để tiến hành thanh toán 7% cổ tức 2020 còn lại vào ngày 12/7 tới. Tổng số tiền dự kiến chi ra trong đợt này là 350 tỷ đồng và Genco 2 sẽ nhận được 178,5 tỷ đồng từ đó. Như vậy, số tiền cổ tức 2020 mà Genco 2 được chia từ công ty con này lên tới 620 tỷ đồng.
Tận thu cổ tức từ công ty con?
Câu chuyện PPC và HND chia cổ tức cao và đột biến gây chú ý nhiều hơn với thị trường trong bối cảnh các doanh nghiệp nhiệt điện than đang phải đối mặt với thách thức lớn. Đó là tình trạng thiếu than trong nước để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi giá than thế giới liên tục leo thang.
Nếu như giá than trên thị trường thế giới hồi đầu tháng 10/2020 giao dịch ở vùng 60 USD/tấn thì tới nay đã tăng lên 129,37 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011 tới nay.
Trong quý I/2021, HND đã báo lỗ 11,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 lãi 200 tỷ đồng. Còn tại PPC, lợi nhuận đi ngang khi ghi nhận 138,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 135,2 tỷ đồng).
Trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của PPC có dấu hiệu bão hoà do các nhà máy đã được xây dựng nhiều năm và hiệu quả khai thác sụt giảm (Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 đầu tư từ năm 1980, với công suất 440 MW; Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 xây dựng từ năm 1998 với công suất 600 MW).
Với tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, sức mạnh tài chính của hai doanh nghiệp sẽ bị suy giảm. Điều này sẽ làm giảm sức chống chịu của doanh nghiệp trước những bất lợi của thị trường.
Tại PPC, nếu như hồi đầu năm 2021, khoản mục tiền và đầu tư tài chính ghi nhận 1.788 tỷ đồng thì tới 31/3/2021 giảm xuống còn 1.687,5 tỷ đồng, tức giảm 100,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng giảm từ 2.145,3 tỷ đồng về 1.899 tỷ đồng, tức giảm 246,3 tỷ đồng.
Tại HND, từ 31/12/2020 đến ngày 31/3/2021, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đã giảm từ 1.460 tỷ đồng về còn 1.229,9 tỷ đồng, tức giảm 230,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 1.618,8 tỷ đồng về còn 1.222,6 tỷ đồng.
Về nguyên tắc kế toán, với việc sở hữu 51% cổ phần của PPC và HND, chỉ tiêu trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Genco 2 không có gì thay đổi khi hai công ty con này chia cổ tức cao.
Tuy nhiên, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, công ty mẹ Genco 2 sẽ được ghi nhận dòng tiền đầu tư từ cổ tức thực nhận trong kỳ, từ đó giúp cải thiện chất lượng dòng tiền trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và đặc biệt, doanh nghiệp có thể sử dụng trực tiếp số tiền cổ tức nhận được phục vụ hoạt động kinh doanh.
Genco 2 mới tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2021. Đáng nói là trong đợt đấu giá cổ phần này, chỉ có tổng cộng 14 nhà đầu tư tham gia đấu giá với tổng số cổ phần đăng ký là 262.500 cổ phần, “ế” tới 99,95% số cổ phần đem ra chào bán.
Trong đó, kết quả đấu giá, giá IPO trung bình là 24.520 đồng/cổ phiếu. Ngày 7/5/2021, Genco 2 đã đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM với mã GE2 và đang giao dịch ở vùng 32.500 đồng/cổ phiếu.
Việc quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt cao đột biến từ công ty con ngay sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán của Genco 2 gợi liên tưởng tới câu chuyện của doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW).
Hồi năm 2018, khi mới lên sàn, POW cũng yêu cầu Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) dùng hết lợi nhuận chưa phân phối để trả cổ tức. POW sở hữu 59,37% vốn điều lệ tại NT2.
Cụ thể, doanh nghiệp trả cổ tức 20% vào tháng 5/2018, cổ tức 27,92% vào tháng 7/2018, cổ tức 15% vào tháng 9/2018 và cổ tức 9% vào tháng 12/2018. Tổng giá trị cổ tức bằng tiền trong năm tài chính 2018 của NT2 lên tới 71,92% vốn điều lệ, cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ cổ tức thực trả trong năm 2017 là 26%, năm 2016 là 43%, năm 2015 là 22%.
Đáng nói là, sau năm 2018 liên tục trả cổ tức thì bước sang năm 2019, doanh nghiệp không thực hiện đợt trả cổ tức nào, năm 2020 thực trả cổ tức 25% và năm 2021 đã tạm ứng cổ tức 10%.
Diễn biến cổ phiếu POW thời điểm đó có dấu hiệu tăng mạnh khi nhận cổ tức. Cụ thể, kể từ khi niêm yết 6/3/2018 đến 12/7/2018, cổ phiếu POW giảm từ 17.260 đồng/cổ phiếu về 10.670 đồng/cổ phiếu, tức giảm 38,2%. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu quay đầu tăng lại tới ngày 28/9/2018, tức tăng 51,8% lên 16.200 đồng/cổ phiếu.
Giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh trở lại trùng với giai đoạn POW nhận cổ tức từ NT2. Cụ thể, tháng 7/2018, NT2 trả cổ tức 27,92%; tháng 9/2018, NT2 trả cổ tức 15%.
Lần này, lịch sử liệu có lặp lại với các công ty con của Genco 2 sau khi bị ép trả cổ tức cao?