Theo đó, GELEX dự kiến phát hành gần 292,95 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10:6, tức 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua và cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới. Mức giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, giá trị vốn huy động tối đa hơn 3.500 tỷ đồng. Vốn điều lệ của GELEX dự kiến có thể tăng lên hơn 7.800 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trước tháng 6/2021.
Số tiền dự kiến huy động được, GELEX sẽ đầu tư 1.800 tỷ đồng vào các dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, các dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 & 3 và các dự án Nhà máy điện gió GELEX 1, 2, 3 tại huyện Hướng Hóa với tổng công suất 140 MW. Các dự án này sử dụng turbine ENERCON E138-EP3 E2 của Tập đoàn ENERCON (Đức), theo công nghệ không hộp số, có thể phát điện ở tốc độ gió 2 m/giây, là loại lớn nhất và hiện đại nhất hiện nay đối với các dự án trong đất liền.
Chia sẻ tại Đại hội, đại diện Ban lãnh đạo Gelex cho biết, hiện nay một số thiết bị bu lông móng đã được tập kết tại công trường, các thiết bị khác theo kế hoạch sẽ được lắp đặt bàn giao đúng tiến độ, đảm bảo các dự án được cấp Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021 để được hưởng cơ chế giá FIT 8,5 UScent/kWh theo chính sách của Chính phủ.
Bên cạnh đó, GELEX sẽ đầu tư 500 tỷ đồng trong số tiền huy động được để triển khai Dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê” do GELEX sở hữu 100% tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dự án có tổng diện tích đất gần 10.000 m2 ở vị trí “đất vàng” giữa trung tâm TP. Hà Nội, mật độ xây dựng khối đế 64%, tổng diện tích sàn xây dựng (không kể tầng hầm) gần 50.000 m2.
Trong đó, hạng mục khách sạn quy mô đầu tư dự kiến đạt 5 sao với khoảng 285 phòng, tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án đang thực hiện công tác phá dỡ, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị triển khai khởi công xây dựng công trình, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Cũng trong số vốn tăng thêm, GELEX sẽ dành 800 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty cổ phần Thiết bị điện GELEX (GELEX Electric).
Còn lại, GELEX sẽ bổ sung 415 tỷ đồng vào nguồn vốn lưu động ròng, phục vụ nhu cầu mua sắm vật tư tập trung tăng thêm trong năm 2021.
Một nội dung khác cũng được đại hội thông qua là việc điều chỉnh tổng mức thù lao HĐQT năm 2020 tăng thêm hơn 1,1 tỷ đồng, do tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, với khối lượng công việc của thành viên HĐQT phát sinh tăng theo kế hoạch mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh của GELEX.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2020 GEX ghi nhận tăng trưởng tích cực trên cả trên cả hai lĩnh vực Sản xuất công nghiệp và Hạ tầng trong bối cảnh toàn thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, doanh thu thuần của GELEX năm 2020 ước đạt 17.500 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm, tăng 14% so với 2019; lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty ước đạt 975 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm, đạt 90% lợi nhuận cùng kỳ 2019.
Về hoạt động đầu tư, theo thông tin từ ban lãnh đạo GELEX, doanh nghiệp đã hoàn thành sở hữu CFT, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, góp phần gia tăng tiềm lực của GELEX trong lĩnh vực thiết bị điện, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tận dụng lợi thế quy mô, giúp giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
Đồng thời, GELEX đã nâng sở hữu tại Viglacera lên 46,07% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ngoài các dự án năng lượng đã đi vào vận hành và đang phát điện lên lưới, trong năm 2020, GELEX cũng đã hoàn thành đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 18 MW.