Cụ thể, ngày 20/2, Gelex vừa mua lại 45,4 tỷ đồng để giảm lượng trái phiếu lưu hành từ 57,1 tỷ đồng về còn 11,7 tỷ đồng của mã trái phiếu BONDGEX/2020.01.
Được biết, mã trái phiếu BONDGEX/2020.01 phát hành ngày 22/7/2020, kỳ hạn 3 năm với mệnh giá 200 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 20/2, Gelex đã mua lại 104,9 tỷ đồng trái phiếu để giảm lượng lưu hành từ 122 tỷ đồng về còn 17,1 tỷ đồng của mã BONDGEXX/2020.02.
Được biết, trái phiếu mã BONDGEX/2020.02 phát hành ngày 23/7/2020, kỳ hạn 3 năm và mệnh giá là 200 tỷ đồng.
Như vậy, Gelex đã mua tổng cộng 150,3 tỷ đồng của hai lô trái phiếu phát hành năm 2020.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Gelex ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 48%, biên lợi nhuận gộp cũng tăng lên mức 20% so với 15% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 2.093 tỷ đồng, tăng 2% so với 2021 và đạt 80% kế hoạch năm 2022.
Cũng như các doanh nghiệp trên thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh của Gelex năm 2022 đã chịu ảnh hưởng từ biến động của kinh tế vĩ mô. Tuy duy trì đà tăng trưởng tốt nhưng rõ ràng một số nhóm ngành bị ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường như vật liệu xây dựng và thiết bị điện.
Ngoài ra, các dự án điện gió bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cũng dẫn đến sản lượng năm 2022 thấp hơn đáng kể so với mức sản lượng dự kiến.
Ở góc độ các mảng kinh doanh trong hệ thống Gelex, theo các số liệu mới công bố, có thể thấy, năm 2022, các mảng hoạt động đều có doanh thu thuần tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ngoại trừ thiết bị điện do sụt giảm nhu cầu thị trường và ảnh hưởng một phần từ việc di dời nhà máy Thibidi, CFT trong 6 tháng đầu năm 2022.
Như vậy có thể thấy, doanh thu của Gelex năm 2022 đã có sự đóng góp cân bằng hơn giữa các mảng hoạt động, giảm phụ thuộc vào mảng thiết bị điện so với cùng kỳ 2021 do hợp nhất Viglacera từ quý 2 năm 2021 và các mảng khu công nghiệp, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu GEX đóng cửa giá tham chiếu 12.500 đồng/cổ phiếu.