Nửa năm sau đợt chào bán, cổ phiếu chưa được giao dịch
Tháng 8/2021, một công ty chứng khoán đã triển khai đợt chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu Gelex Electric.
Theo quy định, doanh nghiệp không phải công bố thông tin về kết quả đợt chào bán riêng lẻ trên, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, có 3 nhà đầu tư đã đặt mua lần lượt 20.000, 20.000 và 50.000 cổ phiếu Gelex Electric với giá 25.000 đồng/cổ phiếu (mức giá khởi điểm chào bán), nhưng sau đó công ty chứng khoán thực hiện việc phân phối lô cổ phiếu đã thông báo tới 3 khách hàng nói trên việc đặt mua không thành công do lượng đặt mua vượt lượng bán, thực hiện phân bổ theo ưu tiên về giá.
Như vậy, nhiều khả năng 10 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này đã được chào bán thành công.
Cũng theo bản giới thiệu cơ hội đầu tư, dự kiến Gelex Electric sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM trong quý IV/2021. Song theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, đến giữa tháng 2/2022, trên hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn chưa có thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Gelex Electric.
Như vậy, khoảng 6 tháng kể từ đợt phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư bên ngoài, doanh nghiệp vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. So với thông tin trong bản giới thiệu cơ hội đầu tư, kế hoạch này đã chậm gần 2 tháng.
Giải thích về lý do chậm đưa cổ phiếu Gelex Electric lên sàn, đại diện Công ty cho biết, ban đầu, Công ty dự kiến hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào quý IV/2021. Gelex Electric đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ giữa tháng 10/2021.
Tuy nhiên, tới ngày 24/12/2021, Công ty mới nhận được xác nhận hoàn tất việc đăng ký đại chúng, sau đó, Công ty đã khẩn trương nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày 30/12/2021, HNX yêu cầu Công ty hoàn thiện bản công bố thông tin. Trường hợp sau ngày 31/12/2021 mới hoàn thiện xong bản công bố thông tin thì cần bổ sung báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Thời gian quá gấp nên Gelex Electric chưa kịp hoàn thiện bản công bố thông tin trước ngày 31/12/2021. Do vậy, Gelex Electric cần phải bổ sung thêm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 vào hồ sơ đăng ký giao dịch.
“Dự kiến, cuối tháng 2/2022, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 sẽ hoàn thành. Ngay khi hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán 2021, Công ty sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện, nộp và giải trình về hồ sơ đăng ký giao dịch với HNX trong thời gian sớm nhất”, vị đại diện khẳng định.
Giảm biên lợi nhuận để giữ và tăng thị phần
Báo cáo tài chính năm 2021 của Gelex cho biết, tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại Gelex Electric là 80%.
Gelex Electric hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và quản lý các khoản đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp điện), với 7 công ty con, gồm Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Công ty cổ phần Thiết bị điện (Thibidi), Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, Công ty cổ phần Thiết bị điện EMIC (Emic), Công ty cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị (sản xuất, truyền tải và phân phối điện gió) và Công ty TNHH Phát điện Gelex (tên cũ là Công ty TNHH một thành viên Gelex Land – kinh doanh bất động sản).
So với hồi đầu năm, Gelex Electric đã tăng thêm hai công ty con trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối điện gió và kinh doanh bất động sản. Các công ty con này trước đây đều là công ty con của Tập đoàn Gelex.
Như vậy, trước thời điểm niêm yết, Gelex Electric đã nhận thêm hai công ty con trong hai lĩnh vực mới.
Một số chỉ tiêu tài chính của Gelex Electric giai đoạn 2018-2021F. Nguồn: Bản giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Gelex Electric. |
Trong tháng 10/2021, Gelex đã hoàn thành việc đấu nối, hoà lưới điện quốc gia và phát điện thương mại 5 nhà máy điện gió tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và 3 với công suất lắp đặt 50 MW; các dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 với tổng công suất suất lắp đặt 90 MW với giá điện ưu đãi 8,5 UScents/kWh trong vòng 20 năm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trong đó, Công ty cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị là chủ đầu tư của nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3.
Việc dịch chuyển quyền sở hữu Công ty cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị từ Tập đoàn Gelex sang cho Gelex Electric có thể tạo đột biến về lợi nhuận cho Gelex Electric trước ngày chào sàn, song lại không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trên báo cáo tài chính hợp nhất của Gelex.
Việc tiếp nhận hai công ty con trong lĩnh vực mới được đánh giá sẽ bù đắp cho lĩnh vực thiết bị điện đang có dấu hiệu suy giảm biên lợi nhuận. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Gelex cho biết, mặc dù doanh thu có dấu hiệu tăng trưởng theo thời gian nhưng lợi nhuận gộp đang có dấu hiệu lao dốc. Cụ thể, lợi nhuận gộp năm 2021 giảm 8,6% so với năm 2020, đạt 1.946,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, dữ liệu của Trading Economics cho biết, giá đồng thế giới đã tăng mạnh từ 20/3/2020 đến 15/2/2022, tương ứng tăng 110% từ 2,16 USD/pound lên 4,54 USD/pound và tiếp tục xu hướng tăng. Bước vào năm 2022, dưới áp lực lạm phát chi phí đẩy, cũng như giá các nguyên liệu sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, kỳ vọng giá đồng tiếp tục tăng cao và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện.
Được biết, biên lợi nhuận gộp trong lĩnh vực thiết bị điện của Tập đoàn Gelex năm 2019 đạt 16,5% nhưng tới năm 2021 chỉ còn 10,4%, đồng thời với việc giá đồng liên tục lập đỉnh.
Theo chia sẻ của đại diện Gelex, có một số nguyên nhân chính dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm: Thứ nhất, giá nguyên liệu chính gia tăng mạnh trong giai đoạn 2019-2021, trong khi giá bán không tăng nhanh bằng tốc độ tăng của giá vốn; thứ hai, chính sách bán hàng với mục tiêu giữ và gia tăng thị phần, Công ty chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giữ thị phần; thứ ba, trong quý III/2020, Công ty thực hiện mua thêm phần vốn góp và hợp nhất thêm Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT) vào báo cáo, trong đó CFT là đơn vị sản xuất đồng dây với biên lợi nhuận thấp, vì vậy, góp phần làm giảm biên lợi nhuận hợp nhất mảng thiết bị điện.
Nhìn chung, nếu chỉ tính riêng lĩnh vực thiết bị điện, Gelex Electric đang chịu áp lực giá vốn hàng bán tăng cao hơn tốc độ doanh thu dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm. Năm 2022, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Công ty cũng kỳ vọng quay trở lại đà tăng trưởng đối với các mảng cốt lõi của doanh nghiệp.