Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời câu hỏi từ báo giới tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS
Từ mức đáy của một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm ngoái, kinh tế Mỹ được ví như lò xo bật trở lại trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Theo đài CNN, kịch bản về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện đã biến mất và Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 cao nhất so với các cùng kỳ trong 70 năm qua. Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý I năm nay, mức tăng GDP là 6,3%.
Ông Jim Cramer, người dẫn chương trình "Mad Money" của đài CNBC, hôm 4/8 nhận định, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới bất chấp số ca mắc Covid-19 do biến thể Delta tăng mạnh ở nước này.
Theo AP, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm 14.000 người xuống còn 385.000 người. Số liệu trên cho thấy nền kinh tế và thị trường việc làm đang phục hồi nhanh chóng. Mỹ đã có bình quân hơn 540.000 việc làm mới mỗi tháng trong năm nay, theo Công ty Dữ liệu FactSet.
Báo cáo thị trường việc làm tháng 7 của Bộ Lao động Mỹ được công bố hôm 6/8, dự báo Mỹ có thêm gần 863.000 việc làm trong tháng 7. Báo cáo nói trên cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về thời điểm giảm tốc độ mua trái phiếu, rút lại chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Chủ tịch FED Jerome Powell hồi tuần trước cho hay, ông muốn xem xét một số báo cáo về tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trước khi FED quyết định bắt đầu cắt giảm 120 tỷ USD dùng mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng.
Ông Brad McMillan, Giám đốc đầu tư tại Công ty Tài chính Commonwealth Financial Network (Mỹ), lạc quan: "Nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ ổn định ngay khi chúng ta không chứng kiến sự tăng tốc như mong đợi".
Đến nay, số ca mắc Covid-19 tăng lên vẫn chưa gây hậu quả kinh tế đáng kể tại Mỹ. Công ty Tư vấn tài chính Contingent Macro Advisors (Mỹ) đánh giá trong một nghiên cứu: "Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 liên quan đến biến thể Delta không có khả năng khiến tình trạng thất nghiệp tăng đột biến khi đến nay, có rất ít trường hợp doanh nghiệp phải ngưng hoạt động".
Theo AP, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 75,7 tỷ USD trong tháng 6 do kinh tế Mỹ phục hồi, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của Mỹ cũng tăng hơn so với cơn khát hàng xuất khẩu từ nền kinh tế số 1 thế giới tại các nước khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết sự gia tăng thâm hụt của Mỹ với các nước có thể chậm lại trong những tháng tới do chi tiêu tiêu dùng chững lại sau khi mở cửa nền kinh tế và sự tăng trưởng ở nước ngoài giúp thúc đẩy hàng xuất khẩu từ Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ ước tính lên đến 428,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2020, thời điểm nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm sút do đại dịch. Riêng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng lên 27,8 tỷ USD trong tháng 6, tăng 5,8% so với tháng 5.