Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).
Ông có nghĩ rằng, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam gặp khó khăn như 3 tháng đầu năm nay? Tốc độ tăng trưởng GDP quý I thấp nhất trong một thập kỷ nói lên điều gì?
Đại dịch Covid-19 đã, đang và tiếp tục tác động tiêu cực vô cùng lớn, chưa có trong tiền lệ tới mọi hoạt động giao thương, kinh tế, di chuyển, giá cả, lạm phát và làm xáo trộn thị trường tài chính, cũng như đời sống của hầu hết người dân trên toàn thế giới. Là một quốc gia mở cửa, một nền kinh tế hội nhập toàn cầu, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài dịch Covid-19, Việt Nam còn chịu sự tác động tiêu cực của thời tiết, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm và sâu, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng cây trồng. Ngành chăn nuôi chưa hết khó khăn do dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm phát sinh tại nhiều địa phương. Ngoài ra, trên khía cạnh kinh tế, việc tăng mức xử phạt người tham gia giao thông uống rượu bia đã ảnh hưởng rất lớn đến các cơ sở sản xuất mặt hàng đồ uống có cồn, cũng như các ngành dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Trong bối cảnh khó khăn chưa từng thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 3,82% - mức tăng trưởng thấp kỷ lục so với cùng kỳ kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với tính toán ban đầu (tăng từ 6,52% đến 6,77%), chỉ bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 (tăng tương ứng 6,65% và 6,50%).
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đạt tốc độ thấp hơn nhiều dự báo; nhiều nền kinh tế lớn, trong đó hầu hết nền kinh tế đang dẫn dắt kinh tế thế giới đều giảm tốc, thậm chí tăng trưởng bằng 0 hoặc tăng trưởng âm, thì mức tăng trưởng 3,82% là điểm đáng ghi nhận.
Theo ông, những điểm sáng nào giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng, cho dù tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011?
Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực kinh tế quý I năm nay đều giảm tốc so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đáng mừng là, một số ngành dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính - ngân hàng và bảo hiểm, thông tin truyền thông, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế là 3,82%.
Những ngành dịch vụ tăng trưởng cao đều có giá trị gia tăng rất cao có thể coi là những mảnh ghép giúp nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ đóng băng. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, ít nhất là trong quý II này, trong trường hợp đại dịch Covid-19 chưa bị đẩy lùi, thì các ngành dịch vụ này tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng và vẫn là điểm sáng để giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng.
Trước diễn biến dịch Covid-19 khó lường, Tổng cục Thống kê đã xây dựng những kịch tăng trưởng kinh tế nào từ nay đến cuối năm?
Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 5,32%. Trong trường hợp dịch kéo dài sang quý III, thì GDP năm nay ước tăng 5,05%. Kịch bản xấu nhất là dịch Covid-19 kéo dài sang quý IV, thì chúng tôi chưa tính đến.
Ngay cả khi dịch được dập tắt trong quý II, thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay cũng không thể đạt được, thưa ông?
Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra là vô cùng khó. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II, thì quý III và IV phải đạt được mức tăng trưởng tăng 8,57% và 9,23%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nên có thể nói là không thể đạt được.
Cho dù không đạt được mức tăng trưởng 6,8% như Quốc hội đặt ra, hay trên 6,8% như quyết tâm của Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 01/Nghị quyết-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, thì mức tăng trưởng GDP năm nay nếu đạt khoảng 5% cũng đã là kỳ tích.
Các con số sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội quý I đã được công bố công khai, từ những con số này, Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra ý kiến tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2020 ở mức cao nhất có thể?
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục Thống kê luôn theo dõi, cập nhật tin tức về dịch bệnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh để nắm bắt và có những phân tích kịp thời phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Thay vì xây dựng kịch bản phát triển kinh tế theo từng quý như trước, giai đoạn này, chúng tôi kết hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản kinh tế cho từng tháng, phục vụ sát hơn công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này.
Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra nhiều nhận định, dự báo tình hình hoạt động kinh tế trong các kịch bản diễn biến của dịch bệnh, giúp Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời có những phản ứng để điều hành phù hợp tình hình thực tế.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, biến động giá cả trên thị trường, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh Covid-19 để xây dựng các kịch bản kinh tế cho từng tháng, từng quý tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị giúp Chính phủ và các bộ, ngành nắm bắt thông tin và đưa ra những quyết sách kịp thời giúp nhanh chóng khôi phục sản xuất, lựa chọn phương hướng phát triển phù hợp trong tình hình hiện nay.