GDP quý I đạt mức cao nhất trong 5 năm qua

GDP quý I đạt mức cao nhất trong 5 năm qua

(ĐTCK) Nền kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tích cực, nhiều ngành và lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, đặc biệt tốc độ tăng tưởng kinh tế quý I đạt mức tăng trưởng gần như cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đó là nhận định chung được các bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015 vừa diễn ra chiều qua 30/3.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp, con số tăng trưởng chính thức của GDP quý I năm nay vô cùng ấn tượng, đạt 6,03%, cao hơn mức 5,06% cùng kỳ năm 2014. Các chỉ số kinh tế quan trọng khác cũng rất tích cực, như tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với mức 8,8% cùng kỳ năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ 2014, FDI giải hơn 3 tỷ USD, ODA đạt 400 triệu USD.

Tình hình hoạt động của các DN cũng khá khả quan số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động tăng hơn 12%. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, 27,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng hơn cùng kỳ trước, 44% doanh nghiệp có đơn ổn định, 25% có số đơn hàng xuất khẩu cao hơn kỳ trước, 53% số DN có đơn hàng xuất khẩu ổn định.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có phần đáng lo ngại do xuất khẩu quý I chỉ đạt 6,9%, thấp hơn cùng kỳ 2014 và 2013. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu.

Thứ nhất là nhóm hàng nông nghiệp, thuỷ sản giảm rất mạnh, cả về giá, khối lượng, giảm tới 797 triệu USD, trong đó xuất khẩu gao giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân thứ hai là do giảm đáng kể về xuất khẩu dầu thô và than đá do hạn chế xuất khẩu than theo chỉ đạo của Chính phủ và giá dầu thô quý I giảm tới 40% so với mức bình quân 2014. Tính riêng giảm giá dầu khiến xuất khẩu mặt hàng này giảm 800 triệu USD. Theo tính toán của Bộ Công thương, chỉ tính riêng mức giảm của 2 nhóm hàng quan trọng này khiến cho giá trị kim ngạch xuất khẩu quý I giảm gần 1,6 tỷ USD.

Ngược lại xuất khẩu, tốc độ nhập khẩu lại tăng cao trên 16%. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đáng mừng là trong cơ cấu, máy móc thiết bị chiếm chủ yếu, trên 80%. Mặt hàng cần kiểm soát có tăng nhưng không cao, chỉ tăng 11,4%, mặt hàng hạn chế nhập khẩu giảm 1,3%. Qua đó cho thấy vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát tốt nhập khẩu, tạo điều kiện cho đầu tư, sản xuất kinh doanh nhưng vẫn khống chế những mặt hàng không cần thiết. Nhập siêu quý I bằng 5,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nằm trong dự báo đã báo cáo Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những yếu tố khiến xuất khẩu giảm nói trên cũng là nguyên nhân khiến khu vực doanh nghiệp trong nước lại rơi vào tình trạng xuất khẩu giảm mạnh trong khi khu vực FDI vẫn giữ vững. Ông Vinh cho rằng, đây là những tồn tại cần tháo gỡ thông qua việc tái cơ cấu lại cơ cấu xuất khẩu hàng nông sản.

Về vấn đề tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, sau khi đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng tình hình thực tế về việc điều chỉnh tỷ giá, cuối cùng đã đi đến kết luận tạm thời giữ nguyên mức hiện nay và theo dõi sát tình hình biến động tỷ giá để có biện pháp thích hợp.

“Chúng ta đã có báo cáo phân tích cụ thể, cơ cấu xuất nhập khẩu như thế nào, từng loại hợp đồng theo loại đồng tiền, nếu phá giá ngay thì sẽ chưa có tác động gì nhiều mà lại gây ra nhiều hệ luỵ nên trong giai đoạn hiện nay, vẫn theo chủ trương không quá phá giá quá 2%, mà trên thực tế đã phá giá 1% tư đầu năm rồi”, ông Bình cho biết.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế vĩ mô quý II và cả năm 2015 dự báo sẽ vẫn tiếp tục xu thế tăng trưởng ổn định, tăng trưởng GDP quý II dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước, lạm phát được duy trì ở mức thấp và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn tiềm ấn nhiều yếu tố khó lường và bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới khả năng tiếp tục có những diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu mặt hàng này cũng như kim ngạch xuất khẩu các quý tới.

Phát biểu chỉ đạo kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng thời gian tới tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%; xuất khẩu tăng 10%, kiểm soát tốt nhập khẩu; tiếp tục giữ vững ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm ổn định kinh tế vĩ mô. 

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp; tăng cường quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Tin bài liên quan